Thị trường M&A trong nước năm 2021 đã chứng kiến nhiều thương vụ quy mô lớn như việc FE Credit bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật Bản, với giá trị gần 1,4 tỷ USD hay Masan Group thu hút được gần 2,3 tỷ USD thông qua các giao dịch mua bán cổ phần công ty con.
Trong khi hoạt động M&A diễn ra sôi động, thị trường IPO lại khá trầm lắng, với một số công ty quy mô vừa và nhỏ chào bán cổ phiếu và lên sàn. Năm 2022 hứa hẹn sẽ sôi động trở lại khi có khá nhiều thương vụ IPO “bom tấn” đang được các tập đoàn lớn của Việt Nam khởi động.
1. VinFast của Vingroup
Kế hoạch IPO công ty sản xuất ô tô VinFast tại thị trường chứng khoán Mỹ của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là thông tin được dư luận chú ý trong thời gian qua.
Vingroup đã chứng minh tham vọng của mình về việc nâng tầm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu với hệ thống nhà máy tiên tiến nhất và việc hợp tác với các thương hiệu lớn.
Với hỗ trợ từ các chính sách miễn giảm thuế phí cho ô tô điện trong nước, VinFast có thể phát triển kinh doanh xe điện và chiếm thị phần cao hơn trong thị trường ô tô đang mở rộng của Việt Nam từ năm 2022. Những chiếc xe điện đầu tiên VFe34 đã được bàn giao cho khách hàng từ cuối năm 2021.
Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp đã giới thiệu thành công các mẫu xe điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles tháng 11/2021 và Triển lãm điện tử tiêu dùng CES tháng 1/2022. Công ty đã nhận đặt trước hàng chục nghìn chiếc xe điện VF8, VF9.
Vingroup có thể kỳ vọng VinFast sẽ được niêm yết với giá trị tương đương với các doanh nghiệp xe điện khác trên thế giới. Hiện tại các chuyên gia dự báo đợt IPO của VinFast sẽ vào khoảng 5-10% cổ phần và định giá có thể ở mức 60 tỷ USD. Lưu ý rằng vốn hoá của Vingroup – đơn vị sở hữu trực tiếp 52% VinFast mới chỉ đạt mức 17,5 tỷ USD.
Đọc thêm: Báo chí Quốc tế: Không nhiều người biết về VinFast nhưng tất cả sẽ sớm biết
2. The CrownX của Masan Group
The CrownX của Masan Group là cái tên lớn tiếp theo trong danh sách. Masan hiện đang có tham vọng phát triển nền tảng bán lẻ, The CrownX, thành kênh dịch vụ tiêu dùng tích hợp ở Việt Nam, dựa trên nền tảng F&B, hệ thống bán lẻ Winmart, đối tác với Techcombank, và tiềm năng M&A các thương hiệu tiêu dùng khác.
Masan đã thuyết phục thành công SK Group (Hàn Quốc) và Alibaba (Trung Quốc) làm đối tác chiến lược, cùng hiện thực hoá tham vọng và đã tiếp tục gọi được thêm vốn từ ADIA, SeaTown với định giá ở vòng gọi vốn gần nhất đạt 8,2 tỷ USD. Ban lãnh đạo Masan có kế hoạch IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024.
3. Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động
Thế Giới Di Động– nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, cũng có kế hoạch niêm yết công ty con của mình là chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh (BHX). Xuất phát từ bán lẻ điện thoại, đến nay Thế Giới Di Động đã mở rộng ra điện tử tiêu dùng (Điện Máy Xanh), ngành hàng thực phẩm tiêu dùng (BHX), Dược phẩm, Thời trang, Trang sức….Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết công ty có kế hoạch IPO chuỗi bán lẻ ngành hàng thực phẩm tiêu dùng và việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược là phần không thể thiếu trong quá trình này.
Với dự kiến sẽ có lãi trong cuối năm 2022, Công ty chứng khoán MayBank KimEng kỳ vọng Bách Hoá Xanh sẽ được định giá tương đương với WinCommerce của Masan, hiện đang được định giá 4 tỷ USD dựa vào giao dịch trên thị trường. Mức định giá này sẽ làm tăng đáng kể giá trị của Thế Giới Di Động, đơn vị hiện sở hữu gần như 100% BHX và cũng có mức định giá khoảng 4 tỷ USD.
4. Nova Consumer của NovaGroup
Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer) – quân bài chiến lược của NovaGroup cũng chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp đã thông báo IPO trong năm 2022 với tổng khối lượng 10,9 triệu cổ phiếu, với giá chào bán tối thiểu 43.462 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá gần 500 tỷ đồng. Sau khi hoàn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Nova Consumer sẽ tiến hành các thủ tục để niêm yết HOSE, dự kiến ngay trong quý II năm nay.
Được thành lập với mục đích đa dạng hóa ngành nghề của NovaGroup, công ty hiện kinh doanh ở lĩnh vực thuốc thú y-vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại-nông trại. Ngoài ra, từ năm 2020, công ty có định hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn (mô hình 3F, Feed – Farm – Food).
Doanh nghiệp hiện đang giữ vị trí số 1 trong thị trường kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản với thị phần 30%. Đây là 1 trong 8 lĩnh vực kinh doanh của Nova Group, và là mảng kinh doanh thứ 2 được IPO sau NovaLand.
5. Công ty đầu tư địa ốc Đại Quang Minh của Thaco
Thương vụ IPO của các công ty trong lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng nhất là Công ty Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Doanh nghiệp của Thaco hiện là nhà phát triển bất động sản có diện tích dự án lớn nhất và vị trí đẹp nhất tại bán đảo Thủ Thiêm. Ước tính, quỹ đất có tổng diện tích trên 500 nghìn m2 và tổng diện tích sàn lên tới 1,1 triệu m2, bao gồm cả diện tích xây dựng nhà ở, văn phòng và bán lẻ.
Nếu nhìn vào mức giá kỷ lục trong các phiên đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm vừa qua, công ty có thể trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tại Việt Nam xét theo quy mô giá trị quỹ đất.