Cảnh báo thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản

Cảnh báo thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản từ Bộ Công an

Công an phát hiện nhiều vụ việc làm giả sao kê tài khoản, xác nhận số dư… của một số ngân hàng.

Thủ đoạn làm giả sao kê tinh vi

Các đối tượng lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân… đã nảy sinh ý định làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính.

Và để thực hiện hành vi này, các đối tượng đặt mua máy khắc dấu polyme trên mạng Internet nhằm mục đích chế tạo con dấu giả của các ngân hàng có uy tín. Chúng còn đặt mua các mẫu giấy in màu biểu trưng của các ngân hàng để phục vụ việc làm giả tài liệu.

Với những ai có nhu cầu làm giả tài liệu, chúng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, số tài khoản, mã số thuế, thông tin dự án, số tiền cần xác nhận cấp cam kết tín dụng, bảo lãnh dự phòng, xác nhận số dư tài khoản…

Thỏa thuận xong về chi phí, các đối tượng sẽ in nội dung của giấy tờ, tài liệu có biểu trưng của ngân hàng rồi ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, dùng dấu polyme giả đóng lên tài liệu.

Cục An ninh điều tra Bộ Công an nhận định, hành vi của các đối tượng là đặc biệt nguy hiểm, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án.

Việc này dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí không triển khai được dự án. Đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành, địa phương…

Chưa kể, với những tài liệu giả này, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân…

Cảnh giác cao

Trước tình trạng này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác.

Các cơ quan chức năng có liên quan khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư… cũng cần xem xét, thẩm định kỹ năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân.

Nếu nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định tính hợp pháp của các loại tài liệu này.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần hoàn thiện quy trình pháp lý và công khai hóa đối với thủ tục cấp cam kết tín dụng, hạn mức tín dụng và các dịch vụ khác…

Các tổ chức này cần phải quản lý hệ thống cung cấp thông tin, danh mục các tổ chức, cá nhân được cấp các thủ tục cam kết tín dụng, hạn mức tín dụng để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân có thể kiểm tra về tính pháp lý của các tài liệu có liên quan.

Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống hotline để tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời khi phát hiện có nghi vấn về các tài liệu bị làm giả…

Doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng… cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng, tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ trên mạng xã hội, không thông qua đối tượng trung gian nhân thân thiếu rõ ràng…

Theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, các cơ quan, tổ chức khi phát hiện tài liệu bị làm giả, nghi bị làm giả cần khẩn trương liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Cát Anh

Exit mobile version