Chuyến viếng thăm Nhà Trắng của CEO FTX trong bối cảnh cuộc chiến về quy định tiền mã hóa

CEO FTX Sam Bankman-Fried và đội ngũ cấp cao của FTX đã gặp cố vấn chính sách của Nhà Trắng vào tháng 5/2022, hé lộ nhiều bí ẩn giữa sàn giao dịch lớn trên thế giới và cơ quan pháp lý.

Theo thông tin được tiết lộ trong thống kê số lượng khách đến thăm Nhà Trắng trong tháng 05/2022, ông Sam Bankman-Fried – CEO FTX cùng Giám đốc chính sách và quan hệ chính phủ FTX là ông Eloria Katz và Mark Wetjen – Cựu ủy viên CFTC hiện là người đứng đầu nhóm chính sách của FTX, đã đến thăm gặp cố vấn chính sách Charlotte Butash và Steve Ricchetti. Báo cáo không trình bày chi tiết nội dung cuộc họp.

Nhiều người nhận định động thái trên của FTX nhằm tạo dựng mối quan hệ với chính quyền Mỹ để hỗ trợ hành lang pháp lý của FTX. Trước đó, ông Sam Bankman-Fried tiết lộ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Vị CEO nói rằng con số này có thể là “trên 100 triệu USD”, song tùy thuộc vào ai sẽ tranh cử, ông sẵn sàng nâng mức đóng góp lên 1 tỷ USD. Con số này đủ biến ông trở thành nhà tài trợ lớn nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống của quốc gia này.

Thậm chí, cộng đồng tiền mã hóa không khỏi xôn xao trước tin đồn sàn giao dịch tiền mã hóa FTX sẽ thành lập một “siêu tổ chức” vận động hành lang (PAC) để thúc đẩy các quy định tiếp nhận tiền mã hóa tại Mỹ. FTX còn đang tìm kiếm một nhân sự lãnh đạo để quản lý tổ chức này.

Trước đó, vị tỷ phú tiền mã hóa đã quyên góp 5,2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đã dành được nhiều sự quan tâm của truyền thông thế giới khi trở thành nhà tài trợ lớn thứ 2 cho chiến dịch tranh cử này, đứng sau tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg.

Chính quyền Biden sau đó đã có nhiều lần bày tỏ mong muốn xây dựng khung pháp lý cho ngành crypto tại Mỹ, đỉnh điểm là báo cáo của Nhóm cố vấn Tài chính cho Tổng thống về mảng stablecoin vào tháng 11/2021 và Mệnh lệnh Hành pháp về tiền mã hóa do chính ông Biden ký vào tháng 02/2022.

Giống như nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa khác, hoạt động kinh doanh cốt lõi của FTX là thực hiện các vụ mua và bán tiền mã hóa, và thu một khoản phí giao dịch. Công ty này đã phát triển thành một thế lực trong ngành công nghiệp tiền mã hoá chỉ trong vòng 3 năm sau ngày thành lập. Với 300 nhân viên, FTX hiện là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 3 thế giới xét về khối lượng giao dịch, với 9,4 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi ngày, theo dữ liệu của CoinGecko.

Exit mobile version