Vào ngày 19 tháng 1, phát ngôn viên của ByteDance cho biết, gã khổng lồ công nghệ đã giải thể bộ phận đầu tư của mình.
ByteDance giải thể bộ phận đầu tư
Sau sự đánh giá và cân nhắc vào đầu năm, ByteDance đã đi đến quyết định “tập trung sức mạnh vào kinh doanh, giảm bớt các khoản đầu tư có kết nối thấp (với ngành kinh doanh chính) và giải tán nhân viên từ bộ phận đầu tư chiến lược sang nhiều ngành nghề kinh doanh khác”.
Quyết định này được phát ngôn viên của ByteDance đưa ra trong một tuyên bố bằng tiếng Trung. Gã khổng lồ công nghệ thông tin thêm, động thái này nhằm “tăng cường sự phối hợp giữa nghiên cứu chiến lược và kinh doanh”.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh ByteDance đang tiến hành tái cơ cấu, từ khi người sáng lập của công ty – ông Trương Nhất Minh rời ghế chủ tịch vào tháng 5 vừa qua.
ByteDance đã thành lập 6 đơn vị kinh doanh để tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ trò chơi đến phần mềm doanh nghiệp.
Gã khổng lồ công nghệ không được giao dịch công khai, tuy nhiên, theo dữ liệu từ CB Insights, ByteDance hiện là công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới, với giá trị lên đến 140 tỷ USD.
Động thái của các ông lớn công nghệ trước Bắc Kinh
Trong năm vừa qua, đầu tư và thu mua là một phần then chốt đối với sự tăng trưởng của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Một số công ty như là Alibaba và Tencent đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhỏ hơn ở trong và ngoài nước.
Mục tiêu của ByteDance là nhân rộng mô hình kể trên, nghĩa là sử dụng thu mua và đầu tư để đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh mới.
Điển hình là vào năm 2021, “cha đẻ” Tiktok đã thu mua Moonton – một studio trò chơi di động lớn, và đặt bước chân đầu tiên của mình vào thế giới thực tế ảo nhờ thu mua Pico.
Nhưng khi các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực từ “gọng kìm” của Bắc Kinh, các thỏa thuận đều được theo dõi nghiêm ngặt. Thậm chí, một số ông lớn công nghệ đã phải nhận án phạt vì không thông báo những thỏa thuận cũ.
Vào ngày 19 tháng 1, 9 cơ quan chính phủ, bao gồm Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, đã đưa ra “quan điểm” về hoạt động lành mạnh của các doanh nghiệp nền tảng internet.
Tài liệu này cũng bao gồm lời kêu gọi tăng cường quản lý hoạt động tài chính của các công ty này.
Một số dấu hiệu gần đây cũng cho thấy, các gã khổng lồ Trung Quốc đang bắt đầu thoái vốn một số cổ phần họ nắm giữ.
Vào tháng 12 vừa qua, Tencent đã cắt giảm lượng cổ phần nắm giữa tại sàn thương mại điện tử JD.com, đồng thời trao cổ phần như một cổ tức đặc biệt cho các cổ đông.
Trong tháng này Tencent cũng bán cổ phiếu ở SEA – một công ty có trụ sở tại Singapore.