Tết 2022 đang đến gần, dư luận và các bâc phụ huynh đang khá quan tâm tới vấn đề giữ tiền lì xì của con. Bởi có thông tin rằng, trong dịp Tết Nguyên đán 2022 nếu cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con sẽ bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng. Vậy thực hư thông tin này thế nào,cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trường hợp nếu chiếm đoạt tài sản riêng của các thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng. Khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã nêu rõ. Vậy nếu trong trường hợp cha mẹ giữ tiền lì xì của con thì có bị phạt hay không?
Giữ tiền lì xì của con, cha mẹ bị phạt đến 30 triệu đồng?
Nghị định 144/2021/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi bạo lực về kinh tế, thay thế cho Nghị định số 167/2013/NĐ-CP vẫn đang được áp dụng trước đây.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp nếu chiếm đoạt tài sản riêng của các thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Do đó, chỉ khi xảy ra hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng” của các thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em…) thì mới bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng. Mức phạt này đã tăng mạnh hơn so với quy định cũ tại điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng).
Tuy nhiên, để khẳng định cha, mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt đến 30 triệu đồng theo quy định trên thì cần phải xem xét kỹ hơn đây có phải là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con”.
Hiện nay chưa có văn bản định nghĩa chiếm đoạt tài sản là gì, nhưng có thể hiểu, chiếm đoạt chính là hành vi một người bằng thủ đoạn gian dối hoặc ngang nhiên, công khai chiếm đoạt tài sản của người khác, làm chủ tài sản không còn được sử dụng tài sản.
Thông thường, tiền lì xì của trẻ là khoản tiền mà người lớn tặng cho vào dịp Tết với ý nghĩa trao tặng may mắn cùng với những lời chúc tốt đẹp. Đôi khi những khoản lì xì đó từ vài triệu cho tới vài chục triệu hay thậm chí cả trăm triệu đồng. Chính vì vậy, đây chính là tài sản riêng của con trẻ.
Mục đích mà cha mẹ giữ tiền lì xì của con thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Để con tiết kiệm tiền
- Không tiêu sai mục đích
- Dùng tiền lì xì để chi tiêu cho trẻ như mua quần áo, sách vở, đóng học…
Thường rất hiếm có trường hợp, cha mẹ giữ tiền lì xì của con vì mục đích “chiếm đoạt tài sản” của con. Do vậy, mặc dù quy định là như vậy nhưng trên thực tế quy định này không quá khả thi khi đưa vào thực hiện. Bởi vì, không phải tất cả trường hợp, cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con đều bị phạt đến 30 triệu đồng.
Trẻ có được tự mình giữ tiền lì xì không?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình, con có quyền có tài sản riêng.
- Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng
- Được tặng cho riêng
- Thu nhập do lao động của con
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con
- Thu nhập hợp pháp khác.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Đồng thời, theo Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc quản lý tài sản riêng (tiền lì xì của con) được quy định như sau:
- Con từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình hoặc nhờ cha, mẹ giữ tiền lì xì.
- Con dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ giữ tiền mừng tuổi. Khi còn đủ 15 tuổi trở lên, cha mẹ có thể đưa lại cho con hoặc có thể sử dụng vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì khi sử dụng tiền lì xì của con, cha mẹ phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con từ 15 – dưới 18 tuổi được tự giữ và sử dụng tiền lì xì của mình.
Như vậy, quyền được giữ tiền lì xì của con còn tùy vào độ tuổi của con để xem xét.