Lạm phát tháng 9 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm. Giá năng lượng tăng cao được cho là đã gây ra tác động này.
Lạm phát tăng do giá năng lượng
Dữ liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê Eurostat của châu Âu cho thấy, lạm phát khu vực đồng euro đạt mức 3,4% vào tháng trước. Theo đánh giá thì đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, khi lạm phát đạt 3,6%. Tại Đức, giá tiêu dùng tháng 9 tăng 4,1%, mức cao nhất trong gần 30 năm.
Các nhà hoạch định chính sách thêm quan ngại khi lạm phát tăng do giá năng lượng tăng cao.
Các ngân hàng trung ương ở châu Âu cho rằng lạm phát tăng đột biến gần đây là tạm thời và áp lực giá cả sẽ giảm bớt vào năm 2022.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói: “Chúng tôi đã điều chỉnh tăng nhiều dự báo của mình trong ba quý vừa qua. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn và điều đó đúng với tăng trưởng, lạm phát và việc làm”.
Vị này nêu quan điểm, hiểu theo một cách nào đó thì đó là các tin tốt. Chúng có nghĩa các nền kinh tế đang hồi phục. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng áp lực giá năng lượng có thể kéo dài lâu hơn các yếu tố lạm phát khác.
Còn một số nhà kinh tế tỏ ra băn khoăn, liệu rằng tất cả áp lực về giá có phải là tạm thời? Liệu ngân hàng trung ương có cần điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn hay không?
Các nhà phân tích bày tỏ kỳ vọng ECB sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về lập trường chính sách tiền tệ của mình tại một cuộc họp vào tháng 12.
Kể từ đầu năm, chỉ số giá xăng giao ngay tại trung tâm TTF của Hà Lan, một chỉ số tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng gần 400%. Đáng nói, đợt tăng giá năng lượng kỷ lục này được cho là sẽ không sớm kết thúc. Theo cảnh báo của các nhà phân tích năng lượng thì sự bất an của thị trường có thể kéo dài suốt mùa đông.
Pháp đã là quốc gia mới nhất thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng. Hôm thứ năm (30/9), Thủ tướng Jean Castex (Pháp) cho biết, chính phủ sẽ ngăn chặn việc tăng giá điện và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, trước khi các biện pháp này có hiệu lực thì hôm thứ sáu (1/10), giá xăng đã tăng 12,6%.
Liên quan đến tình trạng tăng giá, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng đã triển khai các biện pháp để giải quyết.
Được biết, giá năng lượng đã trở thành vấn đề nóng tại châu Âu khi các nước đang cân nhắc các kế hoạch khẩn cấp rộng lớn nhằm hạ nhiệt thị trường năng lượng.
Brussels đang chuẩn bị một loạt các biện pháp ngắn hạn như cắt giảm thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với năng lượng. Việc này mang theo hy vọng duy trì các cam kết thúc đẩy sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn.
Cát Anh (T/h)