Mặc dù châu Âu và Mỹ thể hiện thái độ “sát phạt” cứng rắn đối với Nga, tuy nhiên, các nước này lại tích cực với hai kim loại chủ chốt là nhôm và niken. Không chỉ vậy, do lo ngại xung đột giữa Nga và Ukraine đe dọa nguồn cung, kim loại nhập khẩu của châu Âu và Mỹ từ Nga cũng tăng lên đáng kể.
Là một nước xuất khẩu tài nguyên lớn trên thế giới, Nga có nguồn tài nguyên kim loại dồi dào như nhôm, niken và đồng, nhiều nước châu Âu và Mỹ đều phải dựa vào nhập khẩu từ Nga. Do đó, dù các nước châu Âu và Mỹ đã “mạnh tay trừng phạt” Nga nhưng hai kim loại công nghiệp chủ chốt là nhôm và niken vẫn chưa hề bị đưa vào diện trừng phạt.
Theo dữ liệu do Reuters tổng hợp từ nền tảng Comtrade (thuộc Liên Hợp Quốc), nhập khẩu của Mỹ và EU đối với nhôm và niken của Nga trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 đã tăng tới 70%. Tổng giá trị nhập khẩu là 1,98 tỷ USD.
Về giá cả, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giá nhôm và niken đã tăng cao kỷ lục do lo ngại của thị trường về các lệnh trừng phạt ở châu Âu và Mỹ cũng như tắc nghẽn logistic. Trong số đó, giá nickel kỳ hạn tại London từng vượt mốc 100.000 USD / tấn. Ngày 8/3, giá niken chuẩn trên sàn giao dịch kim loại London đã tăng gấp đôi.
Về khối lượng, EU là nhà nhập khẩu nhôm chưa gia công lớn nhất của Nga. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, EU nhập khẩu trung bình khoảng 78.207 tấn (nhôm chưa gia công) mỗi tháng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rotterdam – cảng lớn nhất của châu Âu, cho biết tổng khối lượng hàng hoá đến đây tăng 0,8% trong nửa đầu năm 2022.
Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, Mỹ nhập khẩu trung bình 23.049 tấn nhôm từ Nga mỗi tháng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum, cho biết: “Người Mỹ muốn mua nhôm từ càng nhiều nguồn khác nhau càng tốt, điều này có ý nghĩa rất lớn”.
Trong khi đó, nhập khẩu niken Nga của Mỹ tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi EU tăng 22%.
Điều đáng nói là ngay từ năm 2018, chính quyền Trump đã đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Rusal, nhưng chưa đầy một năm sau, chính phủ Mỹ đã buộc phải rút lại lệnh trừng phạt vì áp lực. Chính sách trừng phạt khi đó đã gây thiệt hại rất lớn cho các ngành xây dựng, ô tô và điện ở Mỹ. Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết về các lô hàng kim loại của Nga:
“Từ các nhà giao dịch hàng hoá, chúng tôi biết vấn đề chủ yếu là giá cả. Cốt lõi không phải là việc một số chính trị gia không muốn thương nhân mua kim loại công nghiệp của Nga, mà là liệu thương nhân có thể đạt được thoả thuận với Nga hay không”, ông nói.