Tổng công ty hàng không Việt Nam ( UPCoM: ACV ) thu về lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 2.597 tỷ đồng . Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty. Một trong những lý do góp phần giúp lợi nhuận của ACV tăng đột biến trong quý này là chi phí tài chính của công ty giảm trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính lại tăng.
Cụ thể, doanh thu tài chính của đơn vị đạt 1.906 tỷ đồng, gấp 2 lần so với quý 2/2021 nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá tăng. Trong kỳ, đơn vị này lãi ròng khoảng 1.470 nhờ sự chênh lệch của tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 76,5% còn 20,8 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông năm nay, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết bên cạnh việc thắt chặt chi phí của ACV, yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận còn đến từ chênh lệch tỷ giá. Cuối tháng 6, nợ vay tài chính của ACV ở mức 12.007 tỷ đồng, giảm 13,8% so với đầu năm trong đó 97,4% là nợ dài hạn. Các khoản vay của công ty đều bằng đồng Yên Nhật là chủ yếu để thực hiện xây dựng và mở rộng các sân bay. Tại thời điểm 30/6, 1 đồng yên Nhật đổi được 165,7 đồng VND, giảm 9,1% so với đầu tháng 4.
Tỷ giá Yên Nhật so với tiền đồng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp vay vốn bằng đồng Yên Nhật như ACV đều được hưởng lợi từ tỷ giá trong quý II. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vay vốn bằng USD lại không có được những thuận lợi như vậy. Tính riêng quý II, Fed tăng lãi suất điều hành hai lần một lần thêm 0,5% vào tháng 5 và 0,75% trong cuộc họp tháng 6 và dự báo còn có thể tăng lên 3,1-3,6% vào cuối năm nay đã hỗ trợ USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, trong đó có VND.
Nhờ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước như bán ngoại tệ và giữ nguyên các lãi suất điều hành, tiền đồng vẫn đang mạnh hơn đáng kể so với các đồng ngoại tệ chính khác. Việc này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có các khoản vay gốc bằng USD. Bởi lẽ, khi lập báo cáo tài chính cuối quý, doanh nghiệp sẽ tính toán lại giá trị các khoản vay. Nếu chênh lệch dương, tức các khoản vay lớn hơn so với cuối quý trước, doanh nghiệp buộc phải ghi thêm chi phí tài chính và ngược lại, là phần doanh thu tài chính. Trong quý II năm nay, tỷ giá USD/VND tăng 1,8%, 1 USD đổi được 22.838 VND thời điểm 31/3 đã tăng lên 1 USD đổi được 23.255 VND ngày 30/6.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài nhưng bán thành phẩm trong nước cũng chịu ảnh hưởng tới giá vốn hàng bán do tỷ giá tăng. Chính vì vậy, trong quý II vừa qua, nhiều doanh nghiệp chịu tác động lớn từ việc USD tăng giá, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Top 10 công ty lỗ tỷ giá lớn nhất trong quý 2/2022.
Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) là đơn vị chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi tỷ giá nhất do nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, đơn vị này ghi nhận khoản lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 1.090 tỷ đồng. Cùng với việc giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ Hòa Phát đạt 4.032 tỷ đồng, giảm 59%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 23% đạt 81.480 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 27% xuống 12.249 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp có khoản vay vốn bằng USD, hiện Vingroup ( HoSE: VIC ) đã ghi nhận khoãn lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 1.013 tỷ đồng, lớn thứ hai trên sàn chứng khoán trong quý II. Việc có khoản nợ vay lớn bằng USD đã khiến công ty bị thiệt tỷ giá. Cụ thể, tại ngày 30/6, đơn vị này có tổng cộng 51.787 tỷ đồng nợ vay hợp vốn bằng USD. Ngoài ra, Vingroup cũng đã phát hành 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong nửa đầu năm.
Doanh nghiệp cũng dự kiến sẽ phát hành thêm 1 tỷ USD ra thị trường quốc tế, cùng với đó là mở các cửa hàng và xây nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Mỹ. Nếu giá USD so với tiền đồng của Việt Nam tiếp tục tăng như quý II, Vingroup sẽ phải tiếp tục đối mặt với những khoán lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá trong tương lai.
Những khoản vay hợp vốn bằng USD của Vingroup.
Tuy nhiên, dù lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá và lỗ 3.750 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh thuần túy nhưng Vingroup lại ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến 5.156 tỷ đồng nhờ việc thanh lý tài sản. Qua đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 120% lên 3.190 tỷ đồng.
Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) nắm giữ lượng ngoại tệ lớn trong kỳ để giao dịch với các đối tác và có nhiều khoản vay bằng USD đã khiến hãng hàng không này lỗ ròng 736,5 tỷ đồng trong quý II. Chính điều này đã khiến chi phí tài chính của Vietnam Airlines tài chính gấp 2,7 lần lên 1.147 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính chỉ đạt 149 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tăng gần gấp 3 lần, giá vốn hàng hàng bán tăng mạnh hơn; chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng khiến công ty này lỗ 2.570 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 29.943 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với nửa đầu năm 2021. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 5.183 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện là âm 4.914 tỷ đồng.
Số ngoại tệ Vietnam Airlines đang nắm giữ.
Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, HoSE: PGV ) cũng là đơn vị có đa số các khoản vay bằng đồng USD nên chịu khoản lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 319 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối cuối tháng 6, tổng nợ vay của EVNGENCO3 ở mức 42.558 tỷ đồng, giảm giảm 4,7% so với đầu năm. Nợ vay ở mức cao cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 354 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng lên gần 680 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu tài chính chỉ là 120 tỷ đồng. Cùng với việc giá vốn hàng bán tăng lên, lợi nhuận ròng của EVENGENCO3 đã giảm 52,3% còn còn 407,4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản hay phát hành trái phiếu ra thị trường trường quốc tế bằng đồng USD như Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL ) cũng bị thiệt tỷ giá trong quý II. Tính đến thời điểm 30/6, tổng số nợ vay bằng USD của Novaland ở mức 3.773 tỷ đồng. Do vậy, đơn vị này đã chịu khoản lỗ ròng 294 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Không có những khoản vay bằng USD, tuy nhiên Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG ) lỗ ròng 329,1 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá trong trong quý II. Tại thời điểm cuối quý II, công ty này hiện đang có nhiều tài sản cũng như đất đai tại Lào do có các dự án đầu tư nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/6, đồng LAK của Lào đã mất 33% giá trị so với tiền đồng của Việt Nam và 28% so với đồng USD khiến việc các tài sản tại Lào của HAGL Agrico khi hạch toán đã về tiền Việt bị giảm giá trị.
Tỷ giá đồng LAK Lào so với tiền đồng Việt Nam.
Do nợ vay tăng lên, cùng với việc ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá khiến chi phí tài chính của HAGL Agrico gấp 2,7 lần lên 376,7 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính chỉ là 890 triệu đồng. Chính những điều này cộng với việc doanh thu thuần giảm và giá vốn hàng bán tăng, công ty đã lỗ sau thuế 557,3 tỷ đồng, đánh dấu cột mốc lỗ 6 quý liên tiếp. Tính đến 30/6, lỗ lũy kế của công ty là 4.096 tỷ đồng.
Còn tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ( HoSE: HAG ), cuối quý II đơn vị này cũng có những khoản đầu tư tại Lào giống HAGL Agriseco nên cũng ghi nhận lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 136 tỷ đồng. Cùng với nợ vay tăng cao khiến chi phí tài chính của HAGL gấp 4,7 lần lên 833,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính là 106,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HAGL vẫn báo lãi ròng gấp 3,5 lần cùng kỳ nhờ hoàn nhập dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, công ty này đã hoàn nhập 823 tỷ đồng dự phòng. Tương ứng, tính đến ngày 30/6, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm mạnh, chỉ còn 605 tỷ đồng – giảm 861 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.