Ngày 24/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố “Kết quả khảo sát doanh nghiệp về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các vấn đề lao động việc làm”.
Doanh nghiệp lo thu hẹp sản xuất
Kết quả cho thấy, đến tháng 7/2021, do dịch bệnh bùng phát mạnh, sản xuất gặp nhiều khó khăn nên số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất tăng lên, tăng quy mô sản xuất giảm xuống và điều này xảy ra với tất cả các ngành. Thậm chí, do gặp khó khăn không thể vượt qua, nhiều đơn vị phải dừng sản xuất.
Cụ thể, so với năm 2019 (trước đại dịch Covid 19), tại thời điểm tháng 6/2021, có 37,9% số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, còn lại hơn 62% là giữ nguyên hoặc thu hẹp sản xuất, trong đó 31,4% đã thu hẹp sản xuất.
Tỷ lệ thu hẹp sản xuất nhiều nhất xảy ra trong ngành xây dựng (54,55%) và công nghiệp (40%), trong đó có chế biến chế tạo (37,2%).
Báo cáo nhận định, tỷ lệ mở rộng sản xuất của ngành nông lâm ngư nghiệp cao so với các ngành khác có thể do mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến ngành này không lớn như đối với các ngành khác.
Tuy nhiên, so với năm 2020, đến tháng 6/2021 chỉ có 21,6% số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, trong khi đó, tỷ lệ thu hẹp sản xuất kinh doanh là 40,5%, cao gần gấp 2 lần số mở rộng sản xuất và gần 38% số doanh nghiệp không thay đổi quy mô sản xuất, cũng cao hơn khi so với năm 2019.
Trong đó, tỷ lệ phải thu hẹp sản xuất cao nhất là trong các ngành công nghiệp, kể cả công nghiệp chế biến, tương ứng là 52,73% và 51,2%, và tăng lên đáng kể khi so sánh với năm 2019.
So với năm 2020, tình hình thu hẹp sản xuất xảy ra nhiều với các nhóm vừa và lớn. Cụ thể, 52% với nhóm có 100-200 lao động; 41,4% với nhóm 200-500 lao động và 33,33% với nhóm từ 500 lao động trở lên.
Nhóm các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường châu Á và tiêu thụ nội địa có tỷ lệ doanh nghiệp thu hẹp sản xuất cao nhất, tương ứng là 56,25% và 40,82%.
Nếu so giữa các nhóm doanh nghiệp theo hình thức sở hữu, DNNN là nhóm có tỷ lệ thu hẹp sản xuất cao nhất (66,7%). Nhóm các doanh nghiệp có tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu cao hơn thì có tỷ lệ doanh nghiệp thu hẹp sản xuất cao hơn.
Chứng tỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ nước ngoài đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Khi so sánh với năm 2020, tỷ lệ phải thu hẹp sản xuất là 44,64% ở miền Bắc, 39,71% ở miền Trung và 34,5% ở miền Nam.
Như vậy, có thể thấy sang năm 2021 xu hướng sản xuất tiếp tục chậm lại và điều này xảy ra với tất cả các ngành ở cả 3 miền Bắc Trung và Nam.
Trong đó, thu hẹp sản xuất xảy ra nhiều hơn đối với các DNNN (58,33%), phục vụ thị trường trong nước (33,67%) và các doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường châu Á (43,75%).
Chủ yếu cắt giảm lao động
Những khó khăn do Covid-19 khiến gần 56% số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động ở các mức độ khác nhau, trong đó hơn 1/5 giảm lao động từ 10-20%.
Xây dựng và dịch vụ là hai ngành có số DN giảm lao động nhiều hơn so với các ngành khác, tương ứng là (63,67%) và 59,61%).
Chính vì vậy, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải vẫn là “đảm bảo khả năng cạnh tranh” kể cả trong bối cảnh dịch bệnh, với 70,6%; khó “tuyển dụng lao động” (39,9%); “thực hiện các hợp đồng đã ký kết” (34%) và “đổi mới công nghệ” (33,33%); 28,8% doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh.
Nếu xét theo quy mô, 75% doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 lao động) gặp khó khăn lớn nhất là về “duy trì được sản xuất”, 52,1% “đảm bảo khả năng cạnh tranh”; 50% “giữ được lao động”.
Ngược lại, 61,1% doanh nghiệp lớn (trên 500 lao động) khó khăn lớn nhất là về “nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào”; 67,5% khó “duy trì được sản xuất kinh doanh”; 50% khó “tuyển dụng lao động”.
Đáng chú ý, chỉ 35,29% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế, 30,7% tiếp cận được với gói hỗ trợ về tín dụng và 23,5% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về an sinh xã hội.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ còn thấp, mức độ đáp ứng không cao, quy trình thủ tục phức tạp, nhiều điều kiện khó đáp ứng, giải ngân chậm, kém hiệu quả và thực sự là không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.