Chỉ báo MFI là một trong những công cụ được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng trong phân tích kỹ thuật. Chỉ báo này tận dụng được lợi thế về giá và khối lượng để quan sát biến động của thị trường, góp phần xây dựng chiến lược vào lệnh hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu được chỉ báo dòng tiền MFI là gì và cách sử dụng MFI trong giao dịch như thế nào.
Chỉ báo dòng tiền MFI là gì?
Chỉ báo MFI (Money Flow Index) là một trong những chỉ báo khối lượng thông dụng trong phân tích kỹ thuật, chỉ số biến động lên xuống trong khung biên độ từ 0-100 dựa trên dữ liệu giá và khối lượng. MFI có đôi chút hơi giống với chỉ báo RSI nhưng có một điểm khác là RSI đơn thuần chỉ dựa vào giá nhưng MFI còn có thêm yếu tố khối lượng giao dịch.
Ý nghĩa của chỉ báo MFI
- MFI biến động trong giới hạn giữa 2 đường 0 và 100.
- Khi MFI tiến gần về phía 0 cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế và áp lực bán cao hơn.
- Khi MFI tiến gần về phía đường 100 cho thấy phe mua đang chiếm ưu th và áp lực mua cao hơn.
Công thức tính MFI
Chỉ báo dòng tiền có nhiều công thức tính khác nhau, công thức phổ biến nhất là:
Typical Price=(HIGH + LOW + CLOSE)/3
MF = Typical Price* VOLUME
MR = Dòng Tiền Dương (PMF)/Dòng Tiền Âm (NMF)
MFI = 100 – (100/(1 + MR))
Trong đó:
MF: money flow
MR: money ratio
Chiến lược giao dịch với MFI
Sử dụng MFI để xác định vùng quá bán hoặc vùng quá mua
Một tài sản được coi là quá mua nếu MFI cho thấy giá tăng nhanh lên mức cao. Vùng quá mua là vùng khi giá đã tăng rất nhiều và phe mua đã ngấm mệt nên giá có thể sớm đảo chiều theo xu hướng giảm.
Tương tự, một tài sản được coi là quá bán nếu MFI cho thấy giá giảm nhanh xuống mức thấp đáng kể. Vùng quá bán là vùng khi giá đã giảm rất nhiều và bây giờ phe bán đã thấm mệt và không đủ sức đẩy giá giảm hơn nữa nên giá có thể sẽ sớm đảo ngược xu hướng tăng.
Chỉ số MFI nằm trên 80 được xem là quá mua , MFI nằm dưới 20 được xem là quá bán.
Trong biểu đồ trên đây, giá sau khi đi vào vùng quá bán hoặc quá mua đã đảo chiều.
Trên thực tế, trường hợp MFI tiến sát đường 10 hoặc 90 là rất hiếm nhưng một khi đã xuất hiện thì chắc chắn giá sẽ đảo chiều.
Sử dụng MFI để phát hiện tín hiệu phân kỳ, hội tụ
Cách thứ hai để giao dịch với chỉ báo này là phát hiện sự phân kỳ giữa giá và MFI:
Tín hiệu hội tụ
Hội tụ tăng xảy ra khi giá sau thấp hơn giá trước, trong khi chỉ số MFI thiết lập đỉnh sau cao hơn đỉnh trước cho thấy dòng tiền tăng lên. Điều này cho thấy áp lực bán đang giảm dần và người mua sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường, nhà đầu tư nên thực hiện lệnh BUY.
Tín hiệu phân kỳ
Ngược lại với hội tụ, sự phân kỳ xảy ra khi giá dịch chuyển lên mức cao mới trong khi MFI tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Điều này cho thấy áp lực mua giảm, tín hiệu đảo chiều xu hướng giảm, đây là cơ hội để người bán kiếm lời.
Sử dụng MFI theo phân kỳ ẩn (failure swing)
Giống như sự phân kỳ, failure swing cũng có thể ra tín hiệu đảo chiều.
Failure swing MFI tăng
- MFI giảm xuống dưới mức 20 điểm (vùng quá bán)
- MFI tăng trở lại trên 20 điểm
- MFI tiếp tục giảm nhưng vẫn trên mức 20 điểm
- MFI tăng trở lại và trên mức 20 điểm => tín hiệu mua vào
Failure swing MFI giảm
- MFI tăng quá mức 80 điểm (vùng quá mua)
- MFI giảm trở lại dưới mức 80 điểm
- MFI tăng nhẹ nhưng dưới mức 80 điểm
- MFI giảm sâu dưới mức 80 điểm => tín hiệu bán ra
Hạn chế của Chỉ báo dòng tiền
Chỉ báo dòng tiền (MFI) vẫn có khả năng tạo ra tín hiệu không đúng. Xảy ra khi chỉ báo cho thấy một cơ hội giao dịch tốt, nhưng sau đó giá không dịch chuyển như mong đợi, dẫn đến thua lỗ cho nhà đầu tư.
Không phải sự phân kì nào cũng dẫn đến một sự đảo chiều giá.
Chỉ báo dòng tiền cũng có thể không đưa ra cảnh báo về một sự kiện quan trọng sắp xảy ra.
Do đó, nhà giao dịch nên sử dụng thêm các hình thức phân tích và kiểm soát rủi ro khác thay vì chỉ dựa vào mỗi chỉ báo dòng tiền.
Hy vọng với bài viết trên, các bạn đã hiểu hơn về chỉ báo MFI cũng cách sử dụng chỉ báo MFI hiệu quả. Từ đó, có thể áp dụng vào giao dịch để thu lợi nhuận cho mình.