Chỉ báo OBV là gì?

Trong phân tích kỹ thuật, cùng với giá cả, khối lượng giao dịch được coi là yếu tố cốt lõi không thể thiếu trong việc nhận định xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua chúng và chủ yếu chỉ dự đoán dựa trên dữ liệu giá trong quá khứ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chỉ báo OBV là gì và cách tăng khả năng thành công trong giao dịch với OBV.

Chỉ báo OBV là gì?

Chỉ báo OBV là gì?

Chỉ báo khối lượng cân bằng trong tiếng Anh là On-Balance Volume; viết tắt là OBV. Chỉ báo khối lượng cân bằng (OBV) là một chỉ báo động lượng trong giao dịch kĩ thuật, sử dụng dòng chảy khối lượng để dự đoán những thay đổi trong giá tài sản. Joseph Granville lần đầu tiên phát triển công cụ OBV trong cuốn sách năm 1963 của Granville có tên “Granville’s New Key to Stock Market Profits” (“Chìa khóa mới của Granville để giành lợi nhuận trong thị trường chứng khoán”).

Công thức tính chỉ báo OBV

Có ba trường hợp tính OBV:

+ Nếu giá đóng cửa ngày hôm nay cao hơn phiên trước đó: 

OBV hiện tại = OBV trước đó + khối lượng hiện tại

+ Nếu giá đóng cửa ngày hôm nay bằng với phiên hôm trước: 

OBV hiện tại = OBV trước đó

+ Nếu giá đóng cửa ngày hôm nay thấp hơn phiên trước đó: 

OBV hiện tại = OBV trước đó – khối lượng hiện tại

Ý nghĩa của chỉ báo OBV

Granville đưa ra giả thuyết rằng khối lượng luôn đi trước giá cả. 

Granville lưu ý trong nghiên cứu của mình rằng OBV thường di chuyển trước giá. Kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn nếu OBV đang tăng trong khi giá đi ngang hoặc đi xuống. Kỳ vọng giá sẽ giảm xuống nếu OBV giảm trong khi giá đi ngang hoặc đi lên.

Giá trị tuyệt đối của OBV không quan trọng. Thay vào đó, nhà phân tích kỹ thuật nên tập trung vào các đặc điểm của đường OBV. Đầu tiên, xác định xu hướng cho OBV. Thứ hai, xác định xem xu hướng hiện tại có khớp với xu hướng cơ bản hay không. Thứ ba, tìm kiếm các mức hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng. Sau khi bị phá vỡ, xu hướng của OBV sẽ thay đổi và những điểm phá vỡ này có thể được sử dụng để tạo tín hiệu. 

Ngoài ra, OBV tính dựa trên giá đóng cửa. Do đó, giá đóng cửa sẽ hữu ích trong việc tìm kiếm thời điểm phân kỳ hoặc phá vỡ đường hỗ trợ / kháng cự. 

Cách sử dụng chỉ báo OBV hiệu quả

Tín hiệu củng cố xu hướng

Tín hiệu này xuất phát từ mối quan hệ giữa khối lượng và giá: khi giá tăng cộng với khối lượng giao dịch lớn, điều này cho thấy áp lực tăng đang rất mạnh, giá sẽ tiếp tục tăng lên và ngược lại.

Nếu xu hướng của OBV và giá giống nhau thì xu hướng của giá được củng cố nhờ sự hỗ trợ của khối lượng hay tính thanh khoản.

Trong biểu đồ trên, giá và OBV đều đang trong xu hướng tăng khi tạo đáy mới cao hơn, đỉnh mới cao hơn. Sự ủng hộ của OBV làm cho xu hướng tăng của giá được củng cố.

Tín hiệu phân kỳ/hội tụ

Tín hiệu phân kỳ xuất hiện khi giá tăng nhưng chỉ số OBV giảm

Trường hợp 1: Khi giá đang trong chiều hướng đi lên, mà chỉ số OBV lại giảm, có nghĩa sức bán đang lớn hơn sức mua, lực tăng của giá đang yếu đi, khả năng cao giá sẽ đi ngược xu hướng và đảo chiều giảm.

Tín hiệu hội tụ xuất hiện khi giá giảm nhưng chỉ số OBV tăng

Trường hợp 2: Khi giá đang giảm xuống nhưng chỉ số OBV lại tăng. Điều này cho thấy xu hướng giảm đang yếu đi và có khả năng cao đảo chiều tăng.

Thị trường đang phá vỡ những ngưỡng quan trọng

Khi tiến đến các ngưỡng các vùng quan trọng, giá biến động mạnh, khối lượng cũng như vậy.

Có thể nói rằng, trong số tất cả các chỉ báo thì OBV là chỉ báo kỹ thuật tốt nhất trong việc thể hiện mối tương quan giữa giá và khối lượng, cung cấp tín hiệu xác nhận xu hướng cực kỳ hiệu quả.

Exit mobile version