Chi phí thuê mặt bằng của MWG, FPT Retail và PNJ

Chi phí thuê mặt bằng của MWG, FPT Retail và PNJ

Chi phí thuê mặt bằng của MWG, FPT Retail và PNJ

Chi phí thuê mặt bằng mà MWG, FPT Retail và PNJ bỏ ra là không ít trong hoạt động kinh doanh của mình.

Chi phí thuê mặt bằng của MWG vào khoảng 1,5-2% doanh thu

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, chi phí thuê mặt bằng chiếm tỷ trọng khá đáng kể và có tác động lớn.

Được biết, số lượng cửa hàng của MWG khá đa dạng bao gồm các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Trong mỗi chuỗi, diện tích và vị trí địa lý của mỗi cửa hàng cũng có sự khác biệt.

Chủ tịch Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ chi phí thuê mặt bằng của tập đoàn chỉ vào khoảng 1,5-2% trên doanh thu nhờ lợi thế về quy mô.

Về chi tiết các chi phí liên quan đến mặt bằng đã chi trả trong kỳ hoạt động, MWG không thể hiện chi tiết. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có trình bày các khoản trả trước chi phí thuê cửa hàng.

Theo đó cuối quý II, doanh nghiệp đã chi trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, gồm có 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (thời hạn không quá 1 năm) và 36 tỷ đồng dài hạn (trên một năm). Tính ở mức trung bình, doanh nghiệp này đã trả trước hơn 10 triệu đồng cho mỗi cửa hàng.

Các năm gần đây, số tiền trích trước chi phí thuê mặt bằng có xu hướng tăng lên bởi MWG vẫn đang trong giai đoạn mở rộng các chuỗi. Tính đến cuối tháng 6, Tập đoàn này có tổng cộng 4.610 cửa hàng vào cuối tháng 6, tăng thêm 551 so với con số cuối năm ngoái.

Về tình hình kinh doanh, tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm khi có 70% tổng số điểm bán điện thoại/điện máy bị hạn chế và 50% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp.

Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt mức 6.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được đánh giá là tháng có doanh số thấp nhất từ đầu năm.

PNJ bỏ 1,2% doanh thu để thuê mặt bằng

Theo bản trình bày chi tiết của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), khoản chi phí thuê cửa hàng trong nửa đầu năm là hơn 137 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, chi phí tăng 12%. Chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 1,2% doanh thu thuần trong kỳ.

Theo ghi nhận của PNJ, tổng số lượng cửa hàng đang kinh doanh tính đến tháng 6 là 337 địa điểm. Các cửa hàng PNJ thường đặt tại các vị trí đắc địa, đông dân cư và các trung tâm thương mại, do đó mức giá thuê cũng thường cao hơn mặt bằng chung. Trung bình doanh nghiệp này phải trả tiền thuê hơn 400 triệu đồng/cửa hàng/nửa năm.

Về chi phí thuê cửa hàng dài hạn, PNJ cũng trích trước gần 13 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí thuê hoạt động ngắn hạn gần 28 tỷ đồng.

Theo báo cáo, kết quả kinh doanh của PNJ trong các tháng 7 -8 đi xuống rõ rệt khi đợt giãn cách Covid-19 được thắt chặt. Trong 2 tháng này, công ty báo lỗ 110 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống.

Trong tháng 4/2020, PNJ cũng từng đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng. Khoảng 40% các chủ nhà đồng ý với tỷ lệ giảm chi phí khoảng 15% trở lên. Có những nơi mức giảm lên đến 100%.

FPT Retail chi gần 370 triệu cho mỗi cửa hàng thuê trong 6 tháng

Đối với FPT Retail, đơn vị quản lý chuỗi bán lẻ hàng công nghệ FPT Shop và chuỗi nhà thuốc Long Châu, tổng chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng trong nửa đầu năm là 330 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.

Tính đến tháng 6, chuỗi này ghi nhận 625 cửa hàng FPT Shop và 268 nhà thuốc Long Châu. Doanh thu mang về là hơn 9.000 tỷ đồng. Có thể thấy, chi phí mặt bằng và sửa chữa chiếm gần 3,7% doanh thu thuần. Tính trung bình, đơn vị này chi gần 370 triệu đồng cho việc thuê mỗi cửa hàng/nửa năm.

“So với giai đoạn thịnh vượng của thị trường Bán lẻ, mỗi hợp đồng thuê hết hạn đều sẽ chốt được giá thuê mới tăng 8-10% thể hiện giá trị tăng trưởng lớn của khu thương mại, thì nay giá thuê cho hợp đồng mới phần lớn được giữ nguyên, thậm chí giảm 20-30%. Tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ trung bình tăng 8% mỗi năm nay chỉ còn 5% mỗi năm, khiến tổng giá trị của một chu kỳ thuê của 1 bất động sản thương mại giảm đáng kể, thể hiện sự e ngại của thị trường và cán cân quyền lợi đang rơi vào tay những nhà bán lẻ và nhãn hàng nhiều hơn”.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam đánh giá về sự thay đổi về mặt bằng giá thuê trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, FPT Retail cũng có một khoản trích trước tiền thuê cửa hàng và văn phòng ngắn hạn gần 122 tỷ đồng. Chi phí để cải tạo cửa hàng dài hạn rơi vào trên 206 tỷ đồng.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version