Chiến lược chống lạm phát: Soft-landing có nằm ngoài tầm kiểm soát của FED

FED đang xem xét có hay không tiếp tục tăng lãi suất chuẩn lên 0,75 điểm phần trăm nếu tình trạng lạm phát không cải thiện.

Chủ tịch Jerome H.Powell nói rằng tình hình suy yếu kinh tế thế giới có thể trở thành vật cản của FED trong cuộc chiến chống lạm phát.

Cuộc chơi dành cho những người “cứng vía”

FED tăng lãi suất ngắn hạn lên 50 điểm cơ bản trong bối cảnh cơ quan này “chạy nước rút” để vượt qua cơn bão lạm phát gia tăng tại Mỹ. Đây được coi là mức tăng lãi suất cao nhất trong 20 năm trở lại đây.

Trong phiên điều trần trước đó, chủ tịch FED Jerome H.Powell cho rằng giấc mơ về một cú “Soft-landing” thật khó khi mà tình hình lạm phát gia tăng cùng với sự suy yếu kinh tế thế giới có thể trở thành vật cản chân FED.

Chủ tịch Powell nói về động lực tăng lãi suất vô cùng phù hợp với mục tiêu “soft-landing” với nền kinh tế Mỹ. FED sẽ là đơn vị quản lỹ chặt chẽ chi phí vay để hạ nhiệt nền kinh tế đang tăng trưởng nóng đồng thời kìm hãm lạm phát để nước Mỹ không rơi xuống vực thẳm suy thoái.

Những yếu tố chính trị có thể trở thành hòn đá ngáng chân FED trên con đường chiến đấu với lạm phát.

Tuy nhiên, tình hình ở châu Âu và Trung Quốc hiện nay ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hành động cân bằng cục diện của FED.  

Chủ tịch FED đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể thực hiện thành công soft-landing hay không – nó phụ thuộc vào các yếu tố mà chính chúng ta cũng đang chưa biết cách kiểm soát”.

“Những sự kiện chính trị lớn đang diễn ra sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới thậm chí còn lâu hơn những gì chúng ta dự kiến”, ông Powell nhấn mạnh.

Có lẽ, ngay chính người đứng đầu FED cũng đang bày tỏ sự thiếu tự tin khi chèo lái con thuyền kinh tế không va vào tảng băng chìm mang tên suy thoái.

Lo ngại về lạm phát

Soft-landing có nằm ngoài tầm kiểm soát của FED

Điều khiến FED lo lắng là làm thế nào để hạ nhiệt lạm phát về con số mục tiêu là 2%. Ngày càng nhiều nhà kinh tế đặt câu hỏi rằng Ngân hàng trung ương có thể ra tay ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa mà không gây ra suy thoái hay không?

Việc tăng lãi suất đồng nghĩa với việc các khoản vay thế chấp, tín dụng, mua ô tô, đầu tư bất động sản sẽ không “dễ thở” như trước. Thậm chí, nếu tình trạng lạm phát không cải thiện, các nhà hoạch định kinh tế sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản tăng lãi suất lên mức kịch khung để giảm gia tốc tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp (nếu cần thiết).

Câu chuyện của châu Âu vẫn đang để ngỏ khi mà cục diện tại Ukraine vẫn không có biến chuyển tích cực.

Nền kinh tế châu Âu hứng trọn đòn đau tư Nga với việc giá khí đốt và năng lượng tăng vọt hơn 30%. So với Mỹ, châu Âu vẫn chưa cắt được “cơn nghiện” khí đốt của Nga.

Ở Trung Quốc, chính sách ngặt nghèo ngăn chặn Covid-19 đã khiến tình hình thay đổi. Trung Quốc đóng cửa các cảng lớn khiến tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, nhịp điệu chi tiêu của người dân giảm tần số tại các thành phố lớn.

Còn FED, FED cam kết sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để hạ nhiệt lạm phát.

Sau quãng thời gian dài để lãi suất gần như bằng 0, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25% từ mức 0 – 0,25% lên 0,25 – 0,5% vào tháng 3 vừa qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% – 1%. FED đang xem xét có hay không tiếp tục tăng lãi suất chuẩn lên 0,75 điểm phần trăm nếu tình trạng lạm phát không cải thiện.

Nhắc lại bình luận của chủ tịch FED: “Nếu mọi chuyện chuyển hướng tích cực như những gì chúng tôi mong đời thì chúng tôi sẽ hành động chậm hơn, Song nếu mọi thứ tồi tệ thì chúng tôi sẽ chuẩn bị kịch bản nhiều hơn thế”.

Zoe (Nguồn AP)

Exit mobile version