Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, mở đường cho việc thử nghiệm các mô hình tài chính công nghệ (fintech), bao gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua open API và cho vay ngang hàng (P2P Lending). Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa hệ thống tài chính, đồng thời hướng tới mở rộng phổ cập tài chính theo hướng an toàn, minh bạch và hiệu quả.
P2P Lending được thử nghiệm có kiểm soát
Trong số các mô hình được tham gia sandbox, P2P Lending (cho vay ngang hàng) thu hút nhiều sự chú ý. Dù tiềm năng lớn, mô hình này từng gây ra nhiều tranh cãi do sự xuất hiện của các tổ chức mạo danh, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận “trên trời” để thu hút vốn từ nhà đầu tư không có kiến thức chuyên sâu, dẫn đến không ít trường hợp bị lừa đảo.
Một số công ty còn bị phản ánh về việc cung cấp thông tin không minh bạch cho người vay, đưa ra mức lãi suất ưu đãi “ảo” nhưng thực tế lại tính phí và lãi suất “cắt cổ”, ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính và đời sống của người dân.
Ngoài ra, nhiều thỏa thuận đầu tư trong lĩnh vực P2P Lending thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, không có quy định giám sát việc sử dụng vốn, từ đó tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp giữa nhà đầu tư và người vay.
Tạo môi trường thử nghiệm – Định hướng chính sách tương lai
Theo Nghị định, sandbox sẽ được áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty fintech, các cơ quan quản lý và khách hàng có liên quan. Mục tiêu là đánh giá kỹ lưỡng rủi ro, lợi ích, chi phí của từng giải pháp fintech trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi.
Kết quả thử nghiệm sẽ là căn cứ để cơ quan nhà nước xây dựng hoặc điều chỉnh khung pháp lý trong tương lai, bảo đảm tính đồng bộ và thực tiễn cao.
Các nguyên tắc xét duyệt tổ chức tham gia sandbox được quy định rõ:
- Minh bạch tiêu chí, điều kiện và quy trình xét chọn;
- Việc tham gia thử nghiệm không đồng nghĩa với việc được cấp phép kinh doanh chính thức;
- Tổ chức không tham gia thử nghiệm vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành.
Thời gian thử nghiệm tối đa 2 năm, chỉ áp dụng trong lãnh thổ Việt Nam
Tùy theo từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, thời gian thử nghiệm sẽ được giới hạn tối đa hai năm, tính từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận thử nghiệm. Việc triển khai chỉ được phép thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, không mở rộng ra ngoài biên giới.
Nghị định số 94 là tín hiệu tích cực cho sự phát triển có kiểm soát của fintech tại Việt Nam, đồng thời góp phần khắc phục những rủi ro từng tồn tại trong các mô hình tài chính mới, đặc biệt là với P2P Lending – lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều biến động.
Mộc Miên (Tổng hợp)