Chủ tịch HPG nhận định giá thép ở xu hướng giảm, lợi nhuận quý 2, quý 3 của ngành có thể “thê thảm”

Chủ tịch HPG nhận định giá thép ở xu hướng giảm, lợi nhuận quý 2, quý 3 của ngành có thể "thê thảm"

Chủ tịch HPG chia sẻ tại buổi họp ĐHĐCĐ, nêu lý do đại hội tổ chức muộn hơn dự kiến là do doanh nghiệp muốn họp trực tiếp thay vì trực tuyến do dịch bệnh đầu năm vẫn còn phức tạp. Tại buổi họp, lần đầu tiên ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc xuất hiện trên bàn chủ tọa.

Chủ tịch HPG trình bày kế hoạch trước ĐHĐCĐ

Kế hoạch kinh doanh năm nay trình cổ đông gồm doanh thu 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.

Trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm “thê thảm” nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng. Kế hoạch năm nay được đánh giá là thách thức.

Tuy nhiên, về dài hạn, vị Chủ tịch đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất tự tin Hòa Phát sẽ không ngừng lại, sẽ liên tục tiến lên. Tập đoàn đang triển khai dự án Dung Quất 2 và đồng thời nghiên cứu về Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.

Năm 2021, tập đoàn đạt 149.680 tỷ đồng doanh thu, tăng 66% so với 2020; lãi sau thuế đạt 34.521 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Về phương án chia cổ tức 2021, HĐQT đề xuất trả tỷ lệ 35% gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện quý II và III.

Trước thắc mắc cổ đông về công ty có lượng tiền mặt cao (hơn 40.000 tỷ đồng – PV) nhưng cổ tức thấp, Chủ tịch Hòa Phát cho biết công ty không thể chia cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Dung Quất 2. 

Theo đó, dự án với công suất 6,5 triệu tấn HRC cần tới khoảng 75.000 – 80.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay 35.000 tỷ đồng còn lại Hòa Phát phải tự thu xếp. Doanh nghiệp cần khoảng 30.000 tỷ đồng tiền mặt không kinh doanh (tiền lỏng) để đáp ứng các nhu cầu trả nợ, mua nguyên vật liệu…Vì vậy, với lượng tiền mặt đang có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì thậm chí Hòa Phát phải tăng vay nợ.

Chia sẻ thêm, Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh cho biết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 17.000 tỷ đồng, tương ứng mức chia ở mức tối đa là 38%. Phần vốn của công ty mẹ quá thấp nếu so với các công ty thành viên. Vì vậy, mức cổ tức tối đa có thể chia là 35%.

Trước ý kiến cổ đông cho rằng việc công ty phát hành thêm cổ phiếu chỉ là “giấy lộn”, ông Trần Đình Long phản đối quan điểm này cho rằng quy mô hiện nay của Hòa Phát bằng hơn 1.000 công ty bình thường. Công ty cần rất nhiều vốn để duy trì hoạt động nên mới phải phát hành thêm cổ phiếu. Ngân hàng hiện nay chỉ cho vay tối đa khoảng 30.000 tỷ đồng, khó có thể giúp doanh nghiệp nay vay số tiền lớn. 

Ông cũng nhận định giá thép đang trong xu hướng giảm, kinh doanh năm nay sẽ là một thách thức, những Hòa Phát sẽ không ngừng tiến lên. Ông cũng cho biết Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 13% – 27,3% trong năm nay. Ông nói thêm lợi nhuận quý 2, quý 3 này ngành thép có thể còn thê thảm hơn.

JM

Exit mobile version