Lý do 4 tiếp viên hàng không bị cho thôi việc ngay dù chưa khởi tố

Vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy: Khởi tố thêm 10 người

Dù chưa bị khởi tố bị can nhưng 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam đã bị cho thôi việc. Tại sao vậy?

Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị cho thôi việc dù chưa khởi tố bị can

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin, 4 tiếp viên mang ma túy về nước qua đường hàng không sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Theo đó, 4 tiếp viên trên vi phạm khoản 4 Điều 6 Thông tư 46/2013, lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.

4 tiếp viên trên khi vi phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức “không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng”.

Trong một diễn biến ở vụ việc khác diễn ra tại nhiều trung tâm đăng kiểm, hàng loạt cán bộ đăng kiểm đã bị khởi tố rồi vẫn được huy động đi làm. Chính vì thế, nhiều bạn đọc tỏ ra băn khoăn khi 4 tiếp viên hàng không bị cho thôi việc khi chưa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can.

Lý giải của luật sư

Chia sẻ trên báo Dân Trí về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, 2 vụ việc này là khác nhau, từng trường hợp sẽ áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật.

Luật sư Chánh cho hay, hàng không là ngành đặc thù, có quy định riêng về chế độ kỷ luật đặc thù theo Thông tư 46 năm 2013 của Bộ GTVT. Trong trường hợp này, Cục Hàng không đã chỉ rõ, hành vi của 4 tiếp viên hàng không phải áp dụng Điều 6 của Thông tư 46 để xử lý.

Do đó, có thể các tiếp viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hiện vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra) thì họ vẫn thuộc trường hợp bị áp kỷ luật đặc thù của ngành “không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng”.

Trong khi đó, các đăng kiểm viên trong vụ án khác đã bị khởi tố bị can nhưng không bị tạm giữ, tạm giam thì sẽ không thuộc trường hợp bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo điểm b khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động có điểm b nêu rõ, người lao động chỉ bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi “bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Các đăng kiểm viên chưa bị truy tố, kết án, do vậy chưa thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng theo khoản 4 Điều 34 Bộ luật Lao động. Vì thế, họ hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình, phù hợp với quy định pháp luật.

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, các đăng kiểm viên trên sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động khi “bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Exit mobile version