Suy giảm mạnh
Trái với sự phát triển thăng hoa trong năm 2021, thị trường năm 2022 đã diễn ra với những chuyển biến không mấy khả quan. Theo đó, sau khi lập đỉnh 1.528 điểm vào tháng 4/2022, chỉ số chính VN-Index bước vào chu kỳ giảm giá (downtrend) kéo dài đến giữa tháng 11, với mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm được thiết lập trong phiên 16/11. Mức đáy này đã đánh dấu việc thị trường chứng khoán sụt giảm tới 43% giá trị chỉ trong vòng 7 tháng và đưa VN-Index vào nhóm chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất thế giới.
Nhịp giảm sâu của thị trường khiến hàng loạt nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng, không chỉ penny, mà nhà đầu tư cổ phiếu midcap, bluechip cũng “bốc hơi” 40-60% tài khoản từ đầu năm. Thậm chí không ít người cháy tài khoản, làn sóng “call margin” còn lan sang cả lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, từ đó tạo áp lực mạnh đè nặng chứng khoán Việt.
Tình trạng bán tháo xảy ra nhiều tuần liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, tê liệt, trong khi bên cầm tiền duy trì tâm lý chờ đợi giá giảm thêm dù đa số cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn. Chưa kể, dòng tiền trên thị trường còn phải cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng. Dẫn đến thanh khoản bình quân toàn thị trường trong tháng 11 thu về quanh mức 11.000 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng một phần ba so với giai đoạn đầu năm 2022.
Bên cạnh yếu tố về thanh khoản, số lượng tài khoản mới giảm sâu cũng là tín hiệu cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán hạ nhiệt đáng kể. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân chỉ mở mới 88.334 tài khoản, chạm đáy 21 tháng.
Chứng khoán trong nước giảm mạnh có thể được giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Điển hình như một số cá nhân lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán một hay một số mã cổ phiếu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên TTCK.
Bên cạnh đó, việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị khởi tố do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp làm mất niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường vốn nói chung, bao gồm cả TTCK. Điều này khiến không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn.
Chưa kể, động thái tăng mạnh lãi suất nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng cao cũng khiến một phần dòng tiền từ đầu năm dần rút khỏi thị trường chứng khoán, quay lại sản xuất kinh doanh và qua các kênh an toàn hơn như gửi ngân hàng, trái phiếu ngân hàng, trái phiếu chính phủ, khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán thiếu hụt đột ngột.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực việc chứng khoán Việt sụt giảm mạnh còn do áp lực giải chấp. Theo chuyên gia này, khi lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Vòng xoáy giải chấp này đã diễn ra rất mạnh trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 vừa qua.
Hồi phục hình chữ V?
Dù vậy, sau khi nhúng đáy 874 điểm, VN-Index đã có sự hồi phục tích cực từ nửa cuối tháng 11, và nếu tính đến phiên 16/12/2022, tức chỉ sau một tháng, chỉ số này đã tăng gần 200 điểm. Cùng với sự đi lên của chỉ số, thanh khoản được cải thiện rõ rệt khi ghi nhận giá trị giao dịch tăng gấp đôi, đạt 17.000 – 22.000 tỷ đồng/phiên. Riêng phiên 6/12, thanh khoản sàn HoSE đạt 23.533 tỷ đồng, cao nhất trong 8 tháng qua.
Đà phục hồi của thị trường chung song hành cùng với những phiên tăng trần liên tiếp của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản, khi công cuộc giải cứu nhóm cổ phiếu này sau hàng loạt phiên giảm sàn liên tiếp đã thành công, lượng hàng bán giải chấp lên tới hàng chục triệu tại các mã như PDR, NVL, DIG hay CEO được hấp thụ hết. Qua đó tạo hứng khởi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh động thái bắt đáy của nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng hàng loạt cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài cũng trở thành lực đẩy quan trọng cho thị trường trong đợt phục hồi thời gian qua.
Thống kê cho thấy khối ngoại đã mua ròng đến 16.000 tỷ đồng trong tháng 11, đánh dấu giá trị mua ròng lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đáng lưu ý, dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, với đại diện tiêu biểu là Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Theo đó, quỹ này đã mua ròng lên đến 133 triệu USD (khoảng 3.300 tỷ đồng) trong tháng 11. Không dừng lại tại đó, sang nửa đầu tháng 12, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 4.500 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE.
Tại thời điểm bắt đầu rót vốn, ông Yang Yining – nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nhìn nhận sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9 chủ yếu do áp lực bán giải chấp tại nhóm cổ phiếu bất động sản và NHNN tăng lãi suất hai lần trong vòng một tháng. Sau khi giảm sâu, thị trường đã tạo cơ hội cho một quá trình phục hồi từ đáy.
“Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, đại diện quỹ nhấn mạnh.
Tương tự, nhà sáng lập quỹ PYN Elite, ông Petri Deryng cũng chỉ ra rằng khi so sánh các thông tin về thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô với những quốc gia khác trong khu vực Asean, Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn dựa trên nhiều khía cạnh. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào TTCK Việt Nam, nhất là khi nhìn vào triển vọng kinh tế 5 năm tới.
“Nhờ dòng tiền đầu tư mới và việc euro tăng giá, chúng tôi có cơ hội để mua cổ phiếu ở vùng đáy bằng lượng tiền mặt dự trữ, đồng thời xây dựng vị thế mới với nhóm ngân hàng, hiện chiếm 9% tỷ trọng danh mục đầu tư của PYN Elite”, quỹ ngoại này chia sẻ.
Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang chiếm hơn 90% giao dịch của khối ngoại và được đánh giá có nhiều nguồn lực về mặt tài chính và hiểu biết hơn so với nhà đầu tư cá nhân, do đó có thể coi đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ niềm tin của khối ngoại với TTCK Việt Nam, điều chắc chắn sẽ tăng thêm khi việc chấn chỉnh, minh bạch hóa thị trường sẽ tiếp tục được thực hiện kiên quyết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đề ra vào khoảng 6,5%, một số tổ chức lớn như Fitch Ratings, Standard Chartered, và Citigroup cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%. Như vậy bất chấp một số rủi ro hiện hữu, bức tranh tổng thể của nền kinh tế vẫn đang duy trì khá tích cực. Do đó, những khoản đầu tư với các mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn có thể đạt được thành công nhiều hơn và triển vọng về thị trường chứng khoán vẫn mang gam màu sáng.