Chốt phiên giao dịch 9/1, VN-Index đạt 1.054,21 điểm, tăng 2,77 điểm (tương đương 0,26%). Chỉ số chính tăng nhẹ trong tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi độ rộng hẹp và nghiêng về bên bán với 234 mã giảm, 149 mã tăng điểm. Lực bán không nhiều, nhưng lực mua suy yếu đã đẩy nhiều cổ phiếu giảm điểm trong phiên giao dịch chiều.
Bên cạnh đó, thanh khoản có suy giảm trở lại khi GTGD khớp lệnh sàn HoSE đạt gần 6.514 tỷ đồng, giảm gần 36% so với phiên trước đó 6/1, và là mức thấp nhất trong 5 phiên gần đây.
Đánh giá về diễn biến của chỉ số chứng khoán phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận thanh khoản HoSE thực tế đã có dấu hiệu sụt giảm từ tuần giao dịch trước (2-6/1).
Ông đánh giá: “Thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền lớn lựa chọn giải pháp đứng ngoài. Cũng có thể hiểu được thôi vì 9 phiên nữa là nghỉ Tết rồi, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn bán ra cổ phiếu và nghỉ ngơi. Mặt khác, thị trường Việt Nam đang rơi vào bối cảnh không có nhiều thông tin tốt, còn các thông tin xấu thì đã có thời gian thể hiện hết rồi”.
Dù vậy, điểm sáng là các cơ hội tốt bắt đầu xuất hiện dần, dù có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Có thể thấy, dòng tiền tập trung ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, và một vài mã vốn hóa lớn. Tuy nhiên, vì không có sự trải rộng của các lớp cổ phiếu, nên dòng tiền khá eo hẹp.
Mặt khác, điểm số của VN-Index vẫn có sự cải thiện khi tăng hơn 4,6% so với thời điểm đầu năm. Do đó, ông Minh đánh giá kịch bản ngắn hạn của chỉ số sẽ dao động từ 1.042-1.067 điểm.
Động lực sắp tới là gì?
Ông Minh nhìn nhận: “Động lực lớn nhất tác động tới TTCK Việt Nam thời gian tới vẫn là câu chuyện từ FED, bối cảnh Việt Nam hiện tại vẫn đang trong khuynh hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi tài khóa vẫn không nới lỏng. Tôi nghĩ, muốn duy trì cả nền kinh tế và TTCK thì phải có sự hài hòa giữa 2 chính sách”.
Ông đánh giá, FED có lẽ đang chờ thêm thông tin vĩ mô thời gian tới để xem tăng trưởng nền kinh tế thế nào, có hồi phục hay không. Nhiều khả năng FED sẽ không tăng nóng lãi suất trong thời điểm đầu năm, bởi mục tiêu lãi suất là 5,1%, còn lãi suất hiện tại thì là 4,25% rồi thì dư địa tăng trong năm 2023 không còn mạnh nữa. Vì FED không tăng lãi suất nhiều nên tỷ giá USD/VND sẽ giảm, như vậy áp lực tỷ giá sẽ đỡ hơn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các đơn vị phải đi vay USD.
Trong nước, biến số lớn nhất là lãi suất, thời gian vừa rồi, chính sách tiền tệ thắt chặt, tài khóa không có động thái nới lỏng thông qua các chính sách giảm thuế, giảm chi phí… Do cả tiền tệ và tài khoá đều thắt chặt nên không tạo được động lực để giảm áp lực lạm phát. Vì vậy việc nới lỏng như bơm cung tiền (có thể đầu năm bơm) sẽ giải tỏa áp lực cho nền kinh tế, hoặc là có một số giải pháp chính sách tài khóa như giảm thuế, phí… có thể phần nào ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán.
Có nhiều báo cáo đã chỉ ra sự tương quan cao giữa tăng trưởng cung tiền M2 và VN-Index. Trên thực tế, việc M2 tăng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2022, khiến điều kiện thanh khoản thị trường, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế căng thẳng, đẩy mặt bằng lãi suất lên nền cao là 1 trong những nguyên nhân chính khiến VN-Index diễn biến tiêu cực.
Ngoài ra, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán là đầu tư công. Nguồn vốn lớn dành cho phát triển cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nhóm ngành liên quan.
Chưa kể, các yếu tố từ BCTC quý 4/2022 cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Ông Minh dự báo KQKD của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khả quan hơn, tuy nhiên ông cũng lưu ý lý do là nhờ nền so sánh cùng kỳ thấp.
Về lời khuyên với nhà đầu tư trong thời gian tới, ông Minh nhận định: ”Nhà đầu tư chứng khoán nên ưu tiên mua, nắm giữ ở một vài mã cổ phiếu hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại như hàng không, thủy sản…; nhóm ngân hàng, ngành hàng thực phẩm… Tuy nhiên, cần lưu ý không dành tỷ trọng cổ phiếu quá 50% và không dùng tỷ lệ đòn bẩy nợ vay margin cao”.