Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khép lại năm 2022 đầy biến động bằng một phiên đảo chiều giảm điểm đáng thất vọng. VN-Index kết năm 2022 tại 1.007,09 điểm, ghi nhận mức giảm 32,78% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008.
Cần phải lưu ý rằng, trong năm 2008, chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thêm nữa, áp lực chốt lời rất mạnh sau khi P/E VN-Index lên cao ngất ngưởng do “con sóng thần” 2006-07 với làn sóng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và IPO lớn chưa từng có. Thị trường cũng chỉ bước đầu hoàn thiện khi mới áp dụng khớp lệnh liên tục từ cuối tháng 7/2007. Do đó, VN-Index giảm rất mạnh trong giao đoạn này là điều khó tránh khỏi.
Sau hơn một thập kỷ, TTCK Việt Nam đã phát triển toàn diện về mọi mặt cả về quy mô vốn hóa và các sản phẩm đầu tư như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo, phái sinh,… Tuy nhiên, những tác động từ bên ngoài như động thái liên tục tăng lãi suất của Fed, xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid đến tận những ngày cuối năm,… đã tác động mạnh đến chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động thanh lọc thị trường cần thiết cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn.
VN-Index giảm sâu kéo theo vốn hóa HoSE cũng bị “thổi bay” 1,82 triệu tỷ đồng (~77 tỷ USD) chỉ sau một năm, xuống còn khoảng 4 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022 cũng chứng kiến lần đầu tiên vốn hóa HoSE vượt 6 triệu tỷ đồng tuy nhiên những biến động không thuận lợi sau đó đã làm giảm đáng kể con số này. Nếu tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa chứng khoán Việt Nam thậm chí đã “bốc hơi” hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm qua.
Tính từ đầu năm, VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm từ 2% trở lên, nhiều nhất trong vòng 13 năm kể từ năm 2009. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch chỉ số còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” từ trần xuống sàn và ngược lại. Điều này phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến những phiên giảm điểm trở nên khốc liệt hơn.
Dù có nhiều biến động không thuận lợi trong năm qua nhưng TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận một vài điểm sáng. Nổi bật nhất là giao dịch của khối ngoại khi mua ròng đến 26.700 tỷ đồng chỉ riêng trên HoSE trong năm 2022. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài đang nóng trở lại sau giai đoạn bị “nguội lạnh” kéo dài trước đó.
Các quỹ ETF dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình. Nhiều ETF nội và ngoại với những khẩu vị khác biệt được cho ra mắt trong năm qua cũng góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư.
Nhìn chung, những biến động trong ngắn hạn khó có thể làm lu mờ triển vọng tích cực về dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều, tình hình vĩ mô ổn định cùng với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là những yếu tố được đánh giá cao. Thêm nữa, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong những năm tới được dự báo sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.