Cổ phiếu Apax Holdings (IBC) giảm sàn 25 phiên liên tiếp, giá không bằng cốc trà đá

Cổ phiếu Apax Holdings (IBC) giảm sàn 25 phiên liên tiếp, giá không bằng cốc trà đá - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán phiên 27/12 tiếp tục chứng kiến thêm một cột mốc buồn khi cổ phiếu IBC của Apax Holdings giảm sàn phiên thứ 25 liên tiếp. Theo quy định, Apax Holdings sẽ phải sớm có lần thứ 5 giải trình về nguyên nhân khiến cổ phiếu giảm sàn liên tục. Đây sẽ là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Trước đó trong lần thứ 4 phải giải trình, Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) cho biết nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn liên tiếp là do nhà đầu tư có vay ký quỹ/ thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra trong các văn bản giải trình trước, Apax Holdings còn đưa ra thêm lý do khiến giá cổ phiếu IBC giảm sàn liên tiếp đến từ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô. Không loại trừ khả năng, “điệp khúc” giải trình trên sẽ được lặp lại.

Sau cú trượt dốc chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này, thị giá IBC đã “bốc hơi” 85% so với thời điểm đầu tháng 11 và chưa bằng một cốc trà đá 2.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay gần 1.100 tỷ đồng chỉ sau hơn một tháng, chỉ còn khoảng 216 tỷ đồng. Đà giảm chưa có dấu hiệu chấm dứt khi lực bán vẫn tỏ ra mạnh mẽ trong khi phía cầu không có dấu hiệu trở lại, riêng phiên 27/12 gần 12 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn khi kết phiên.

Với việc cổ phiếu giảm sâu, Shark Thủy và công ty mẹ của Apax Holdings là CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup tiếp tục nhận tin không vui bị bị bán giải chấp cổ phiếu IBC. Liên tục trong ba ngày từ 20/12 – 22/12, ông Thủy bị Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp 113,8 nghìn cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông Thủy xuống còn 6,58 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 7,913%. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục.

Song song, các ngày 16, 19, 20 và 21/12, Egroup cũng bị Chứng khoán Mirea Asset bán giải chấp 716,8 nghìn cổ phiếu IBC. BVSC cũng bán giải chấp 71,9 nghìn cổ phiếu IBC của Egroup trong ngày 19/12. Các giao dịch này đã đẩy sở hữu của Egroup tại Apax Holdings xuống còn 58,81%, tương đương 48,9% vốn điều lệ của IBC.

Đà lao dốc mạnh của cổ phiếu IBC diễn ra sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Trước đó, ngày 16/11/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Đến ngày 13/12, Apax Holdings đã có công văn gửi HoSE giải trình về các thông tin không mấy tích cực. Trong đó, giải đáp những bức xúc và phản ánh của các nhà đầu tư đã tham gia góp vốn vào hệ thống của Egroup, Chủ tịch Apax Holdings cho biết “Trước đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó do điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm” .

Ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng nói thêm, mong mỏi nhất lúc này là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng: “Chúng tôi nợ các phụ huynh một môi trường học tập như đã cam kết và vốn có trước đại dịch. Chúng tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình” .

Exit mobile version