Thị trường chứng khoán vừa khép lại 1 tuần đầy biến động với sự kiện Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % sau số liệu lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm tại Mỹ. VN-Index kết tuần với mức giảm 5,2% kéo theo nhiều nhóm ngành giảm sâu trong đó cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm.
Gần như không có cổ phiếu nào trong nhóm chứng khoán thoát khỏi vòng xoáy bán tháo tuần qua, thậm chí những cái tên hàng đầu như VND (-30%), SSI (-26%), VCI (-21%), HCM (-21%), MBS (-29%), SHS (-24%), FTS (-26%), AGR (-23%), BSI (-26%), CTS (-28%),… còn đồng loạt giảm hàng chục %.
Kết thúc một tuần đáng quên, hàng loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trong 1 năm qua, thậm chí một số còn âm thêm khoảng 30-50%. Từ khi làn sóng nhà đầu tư mới làm thay đổi bộ mặt ngành, chưa bao giờ nhóm chứng khoán phải trải qua cơn giông bão nào kéo dài như hiện nay.
Cổ phiếu chứng khoán lao dốc
Tuần qua còn ghi dấu thêm một cột mốc buồn với nhóm chứng khoán khi chính thức không còn đại diện nào trong nhóm tỷ USD vốn hóa do 2 “đầu tàu” SSI và VNDirect đều đã lần lượt rơi rớt. Đây là một điều đáng tiếc bởi năm 2021 mới là lần đầu tiên sau hơn 20 năm hình thành và phát triển thị trường mới có công ty chứng khoán vốn hóa tỷ USD.
Còn nhớ vào thời đỉnh cao khi thị trường giao dịch bùng nổ, nhóm vốn hóa trên 1 tỷ USD có đến 3 CTCK (SSI, VND và VCI), thậm chí SSI còn có lúc chạm đến ngưỡng 2,4 tỷ USD. Cuối tháng 11 năm ngoái, HCM cũng đã tiệm cận nhóm tỷ USD, trong khi vốn hóa MBS, SHS, FTS,… đều trên 10.000 tỷ đồng. Nhưng đến hiện tại, những con số này đều đã “bốc hơi” quá nửa.
Vốn hóa của các công ty chứng khoán đều đã giảm quá nửa so với đỉnh
Khó khăn trong ngắn hạn là điều khó tránh khỏi đặc biệt khi lãi suất có xu hướng tăng trong môi trường lạm phát cao. Dòng tiền có chiều hướng chuyển dịch từ các tài sản tài chính có tính rủi ro cao đến nơi trú ẩn an toàn hơn phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu nhóm chứng khoán. Dù vậy, không thể phủ nhận tiềm năng tăng trưởng lạc quan của ngành chứng khoán trong dài hạn.
Minh chứng rõ ràng thể hiện qua làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm, lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước lên đến gần 1,4 triệu tài khoản, gần bằng con số cả năm 2021. Con số này dù chưa thực sự phản ánh chính xác số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường nhưng tốc độ phủ sóng trong dân số đang ngày càng nhanh là điều có thể thấy rõ.
Bên cạnh động lực từ khối nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có dấu hiệu quay trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau giai đoạn bán ròng triền miên, khối ngoại đã trở lại mua ròng liên tiếp trong 2 tháng 4 và 5 với giá trị lần lượt 3.900 tỷ và 3.200 tỷ đồng. Từ đầu tháng 6, khối ngoại tiếp tục mua ròng thêm 1.600 tỷ đồng qua đó khỏa lấp lượng rút ròng trong quý đầu năm.
Câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi cũng được kỳ vọng thúc đẩy khối ngoại trở lại. Nếu tỷ trọng của Việt Nam trong rổ của thị trường mới nổi khu vực châu Á là 2%, các dòng vốn đổ về ước tính sẽ đạt 8-9 tỷ USD. Đánh giá về tiềm năng Việt Nam được đưa vào các chỉ số của thị trường mới nổi, nhóm chuyên gia của HSBC cho rằng, nhiều quỹ đầu tư đã đưa Việt Nam vào “tầm ngắm” từ trước đó.
Tiềm năng tăng trưởng khá rõ ràng tuy nhiên sự phát triển của ngành chứng khoán được đánh giá sẽ ngày càng phân hóa giữa các công ty theo nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ đầu tư, chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán hay mức độ cạnh tranh trong ngành…
https://cafef.vn/tuan-dang-quen-cua-nhom-chung-khoan-co-phieu-dong-loat-giam-20-30-khong-con-dai-dien-ty-usd-von-hoa-202206181334219.chn