Cổ phiếu giảm hơn 42% từ đỉnh, người nhà lãnh đạo Hòa Phát đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG

Cổ phiếu giảm hơn 42% từ đỉnh, người nhà lãnh đạo Hòa Phát đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG

Trước khi đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG, ông Nguyễn Hữu Mạnh không sở hữu cổ phiếu HPG. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đang nắm giữ 470.409 cổ phiếu của tập đoàn (tương đương 0,01%).

Chốt phiên ngày 6/6, cổ phiếu HPG ở mức 33.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, ông Nguyễn Hữu Mạnh sẽ phải chi khoảng 10 tỷ đồng để mua 300.000 cổ phiếu HPG.

Trong bối cảnh thị giá cổ phiếu giảm hơn 24% kể từ đầu năm và giảm gần 42,5% so với mức đỉnh thiết lập cuối tháng 10/2021, các lãnh đạo HPG vẫn duy trì quan điểm không mua cổ phiếu để “cứu giá”.

Trong thông cáo phát đi đầu tháng 4, Hòa Phát cho biết, gần đây ban lãnh đạo tập đoàn nhận được nhiều đề xuất của cổ đông về việc tập đoàn nên cân nhắc mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu dao động về mức thấp và công ty có nguồn tiền mặt dồi dào.

Tuy nhiên ban lãnh đạo HPG cho biết, không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ trong thời gian này do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, trước đây các công ty đại chúng có thể mua cổ phiếu quỹ với mục đích đầu tư, bình ổn giá và bán khi giá cổ phiếu tăng cao và Hòa Phát cũng đã từng mua cổ phiếu quỹ sau đó bán ra khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu quỹ đã có thay đổi theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, từ ngày 01/01/2021 công ty đại chúng mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu mua lại theo Điều 36 Luật Chứng khoán năm 2019, như vậy cổ phiếu quỹ đó sẽ không bán được.

Thứ hai, nếu tập đoàn mua cổ phiếu quỹ thì sẽ có hai vướng mắc. Một là vốn điều lệ của công ty mẹ (tập đoàn) hiện tại là 44.700 tỷ đồng trong khi tổng vốn điều lệ của các công ty con cấp 1 trong tập đoàn là 63.100 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của các công ty con đang lớn hơn vốn điều lệ công ty mẹ. Trong trường hợp mua cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ của công ty mẹ sẽ giảm hơn nữa, dẫn tới mất cân đối, không tương xứng với quy mô tập đoàn.

Hai là, vi phạm cam kết với các tổ chức, định chế tài chính đang cấp tín dụng cho Hòa Phát. Khi Hòa Phát vay tiền đã cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo với ngân hàng khi có thay đổi.

Vì những lý do trên, Tập đoàn Hòa Phát sẽ không mua cổ phiếu quỹ ở thời điểm này.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng một lần nữa khẳng định chưa có ý định mua thêm cổ phiếu HPG. Đồng thời, ông khẳng định ông và gia đình sẽ không bán lượng cổ phiếu hiện tại vì không có nhu cầu. “Nhiều ý kiến cho rằng Hòa Phát và tôi nên mua cổ phiếu để hỗ trợ khi giá xuống. Tuy nhiên, vì nguồn lực có hạn, nên nếu muốn mua thêm thì xin ý kiến cổ đông cho phép bán”, ông Long nói.

Ngày 20/6 tới đây, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2021 với tổng tỷ lệ 35%, trong đó gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Với hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát sẽ cần chi ra khoảng 2.236 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Tổng số cổ phiếu sau khi chia cổ tức là hơn 5,8 tỷ đơn vị, ứng với vốn điều lệ 58.147 tỷ đồng.

Gia đình ông Trần Đình Long đang là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát với tỷ lệ nắm giữ 35%. Trong đợt chia cổ tức này, gia đình ông Long dự kiến sẽ được nhận khoảng 782 tỷ đồng tiền mặt và 470 triệu cổ phiếu mới.

Exit mobile version