Cổ phiếu ITA bị bán ồ ạt vì nhận hung tin

Cổ phiếu ITA bị bán ồ ạt vì nhận hung tin

Bất chấp thị trường thăng hoa, cổ phiếu ITA của Tân Tạo bị đưa vào diện kiểm soát. Việt này diễn ngay sau khi Tân Tạo có động thái đề nghị đưa cổ phiếu của mình ra khỏi diện cảnh báo.

Thị trường chứng khoán bứt phá, nhiều cổ phiếu thăng hoa

Các chỉ số trong đầu phiên giao dịch sáng ngày 16/6 đều đã “nhảy gap”, tăng điểm khá mạnh. Vẫn có áp lực chốt lời nhưng chỉ số không ngừng nới rộng biên độ. Tạm kết thúc phiên buổi sáng, VN-Index tăng 8,74 điểm lên 1.125,71 điểm; trong khi đó VN30-Index tăng 12,25 điểm tương ứng 1,11%. Còn HNX tăng 1,94 điểm (tương đương 0,85%); UPCoM-Index tăng 0,32 (tương ứng 0,38%).

Trên toàn thị trường có tổng cộng 576 mã cổ phiếu tăng giá, 288 mã giảm giá. Có 49 mã tăng trần trên cả 3 sàn thì có tới 42 mã tăng trần nằm ở sàn UPCoM. Có 298 mã tăng, 102 mã giảm riêng sàn HoSE.

Thanh khoản trên cả 3 sàn ở mức cao. Ở phiên sáng, khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt 485 triệu cổ phiếu, tương ứng 9.138 tỷ đồng. Trong khi trên sàn HNX, con số này là 62 triệu cổ phiếu, tương ứng 973 tỷ đồng. Riêng sàn UPCoM có 58 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng với nó là 436 tỷ đồng.

Nhờ sự cổ phiếu “vua” ngành ngân hàng có sự đồng thuận mà chỉ số chính diến biến thuận lợi. Trong đó, cổ phiếu STB giao dịch sôi động, tăng mạnh 4,9%, khớp lệnh gần 29 triệu cổ phiếu; MBB tăng 2%; LPB tăng 2%; VPB tăng 1,8%; TCB tăng 1,5%; OCB tăng 1,6%; VIB tăng 1,5%; HDB tăng 1,1%…

Nhiều mã cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính cũng bứt tốc tăng mạnh. Cụ thể, VND tăng 6,3%; VIX tăng 6,1%; AGR tăng 5,2%; VCI tăng 5,8%; SSI tăng 4,9%; HCM tăng 4,6%; ORS tăng 4,8%; CTS tăng 4,5%…

Diễn biến đối với nhóm cổ phiếu bất động sản phần lớn tích cực. Ví dụ cổ phiếu DTA tăng 5%; HDC tăng 4,9%; NLG tăng 3,9%; NTL tăng 3,1%; AGG tăng 3,3%; DIG tăng 2,9%; DXG tăng 2,8%…

Cổ phiếu ITA ngược dòng

Thị trường thăng hoa nhưng cổ phiếu ITA lại ngược chiều giảm sàn, thậm chí giảm kịch biên độ xuống còn 5.700 đồng với số lượng khớp lệnh “khủng” lên tới 21,88 triệu cổ phiếu, trắng bên mua, dư bán sàn còn 2,56 triệu đơn vị. Như vậy, áp lực bán ra và lực cầu hấp thụ đối với ITA khá lớn.

Được biết, tình trạng cổ phiếu ITA sụt giá sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo về việc cổ phiếu này sẽ bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6. Theo HoSE, lý do bởi lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo thuộc về công ty mẹ âm liên tiếp 2 năm 2021 và 2022, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định.

Tại báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021 của Tân Tạo cho thấy, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ gần 262 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại BCTC kiểm toán năm 2022, Tân Tạo đã điều chỉnh kết quả kinh doanh 2021 với mức lỗ sau thuế gần 408 tỷ đồng thuộc về công ty mẹ.

Việc điều chỉnh số liệu của năm 2021 khiến cho BCTC năm 2022 của Tân Tạo nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán AASCS. Theo AASCS, đơn vị chỉ chịu trách nhiệm đối với số liệu năm 2021 nằm trong mục “số liệu so sánh”, số liệu thuộc các khoản mục còn lại trong BCTC năm 2021 của Tân Tạo do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – đơn vị kiểm toán trước chịu trách nhiệm.

Từ ngày 6/9/2022, cổ phiếu ITA từng bị HoSE đưa vào diện cảnh báo vì vi phạm quy định công bố thông tin trên 4 lần trong vòng 1 năm. Đến đầu tháng 3/2023, do chưa khắc phục hết nguyên nhân đưa vào diện cảnh báo, lại tiếp tục vi phạm công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày bị cảnh báo nên mã cổ phiếu này tiếp tục bị giữ nguyên diện cảnh báo.

Tân Tạo mới đây đề nghị cơ quan HoSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo với lý do công ty đã khắc phục các vi phạm về công bố thông tin. Thế nhưng, chưa kịp ra khỏi diện cảnh báo, ITA tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát.

Exit mobile version