Sau 18 phiên nằm sàn la liệt, cổ phiếu NVL đã được giải cứu. Chủ tịch Novaland đã viết tâm thư gửi gắm nhiều điều.
Chủ tịch Novaland viết gì trong tâm thư?
Những diễn biến thất thường của cổ phiếu NVL thời gian gần đây khiến nhà đầu tư có phần hoang mang. Nhất là chuỗi 18 phiên nằm sàn liên tiếp của cổ phiếu NVL những ngày qua. Dường như tình trạng sẽ càng xấu hơn nếu cổ phiếu này không có phiên “giải cứu” kịp thời.
Cổ phiếu NVL tính từ đầu tháng 11 đã “bốc hơi” gần 71% thị giá. Tương đương với nó là vốn hóa thị trường bị thổi bay 96.600 tỷ đồng. Trong khi nếu so với mức đỉnh đạt được hồi đầu tháng 7/2021, con số này thậm chí lên tới hơn 140.000 tỷ đồng. Đáng nói, từ vị thế nằm trong 10 cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán, Novaland hiện vốn hóa chỉ còn chưa đến 40.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT NVL, vừa có tâm thư gửi khách hàng. Theo ông, năm 2022 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có những biến động khôn lường, từ chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh đến chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong đó NVL cũng không ngoại lệ.
Trước tình hình đó, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova – ông Bùi Xuân Huy đã có tâm thư gửi cổ đông cùng các nhà đầu tư. Trong tâm thư này, ông khẳng định tập đoàn NVL đang cố gắng triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ổn định doanh nghiệp.
Trong tâm thư, vị này viết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp NVL rà soát, cân đối lại dòng tiền, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM”.
Ông Huy xin lỗi khi biết đối tác của NVL có thể lo lắng và bất an trước những thông tin biến động của Tập đoàn trong thời gian qua, dù “những thông tin này được đến từ đâu và theo cách thức nào”.
Cổ phiếu NVL “hửng sáng”
Trong phiên 28/11, cổ phiếu NVL thoát chuỗi giảm sàn ngoạn mục nhờ vào việc 104 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh. Được biết, con số này cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của NVL, chỉ sau kỷ lục của phiên 22/11. Giá trị giao dịch cổ phiếu NVL ở phiên này tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE.
Trước đó, đã có 4.000 tỷ đồng rót vào cổ phiếu này trong 2 ngày 22-23/11 để “giải cứu” nhưng NVL vẫn không thể thoát sàn.
Phiên giao dịch ngày 29/11, cổ phiếu NVL đã có phiên tăng trần lên 21.850 đồng/cp sau khi NovaGroup thông tin về việc cổ đông lớn nhất của Novaland đã tìm được đối tác nhận chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu trong tháng 12/2022.
Theo chia sẻ của NovaGroup, số tiền thu được từ thương vụ này sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.
Trong khi đó, ở diễn biến mới nhất, vợ ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch CTCP NovaGroup là bà Cao Thị Ngọc Sương bị công ty chứng khoán bán giải chấp 29 triệu cổ phiếu. Con số này tương đương với 1/3 số cổ phần bà Sương sở hữu.
Hiện tại, bà Sương chỉ còn giữ 54,3 triệu cổ phiếu NVL. Nếu tính theo mức đóng cửa phiên hôm nay, số cổ phiếu này trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của bà Sương tại Novaland sau giao dịch giảm từ 4,27% xuống 2,78%.
Hôm nay, con trai bà Sương và ông Nhơn là ông Bùi Cao Nhật Quân cũng thông báo về việc đã bán 5 triệu cổ phiếu NVL. Như vậy, với 78,2 triệu cổ phiếu, ông Quân đã giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại tập đoàn này còn 4,12%.
Ngoài ra, NovaGroup cũng đăng ký bán hơn 12,7 triệu cổ phiếu NVL bằng phương thức khớp lệnh lẫn thỏa thuận.