VNZ cao nhất sàn chứng khoán, vốn hóa VNG đạt gần 20.000 tỷ đồng

VNZ cao nhất sàn chứng khoán, vốn hóa VNG đạt gần 20.000 tỷ đồng

“Kỳ lân” công nghệ CTCP VNG (mã CK: VNZ) tiếp tục bật tăng kịch trần (+88.100 đồng/+15%) trong phiên giao dịch 8/2. Cổ phiếu VNZ được nâng lên mức giá 675.600 đồng/cp, cao nhất sàn chứng khoán chỉ với 100 đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu VNZ tăng chóng mặt

Nếu so với thời điểm trước 01/02 (khi VNZ có lệnh khớp đầu tiên kể từ khi lên sàn), giá tham chiếu 240.000 đồng/cp thì thị giá của VNZ đã cao hơn 2,8 lần. Chỉ sau 6 phiên giao dịch, vốn hóa của “kỳ lân” này tăng với tốc độ chóng mặt, tăng 12.500 tỷ đồng, qua đó đạt gần 19.400 tỷ đồng, dần thu hẹp khoảng cách với “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghệ là FPT.

Đây đã là phiên thứ 6 liên tiếp cổ phiếu VNZ tăng trần với cùng một kịch bản. Đồng nghĩa với việc, VNG sẽ phải giải trình theo quy định từ UBCKNN, khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên.

Không chỉ vốn hóa tăng mạnh nhờ việc cổ phiếu tăng nóng, mà giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh – nhà đồng sáng lập VNZ đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT cũng đạt tới mốc 2.380 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, ông Minh hiện đang sở hữu 12,3% cổ phiếu lưu hành, tương đương 3,53 triệu đơn vị.

Trong khi VNG kinh doanh không mấy khả quan

Trong bối cảnh VNG kinh doanh không mấy khả quan thì cổ phiếu VNZ lại có đà tăng kỳ lạ này.  Năm 2022, doanh nghiệp công nghệ này lỗ ròng lên đến 1.315 tỷ đồng trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỷ đồng. Trong lịch sử hoạt động của VNG, đây là mức lỗ được đánh giá là kỷ lục .

Tổng tài sản của VNG tính đến cuối năm 2022 đạt mức 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn tăng gấp 2,2 lần lên 4.313 tỷ đồng, chủ yếu do tăng gần 910 tỷ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án VNG Data Center -trung tâm dữ liệu mới với quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam vừa được VNG khai trương giữa tháng 12/2022.

Trước đó, thị trường chứng khoán từng ghi nhận các mã từng lập đỉnh cao. Có thể kể đến là BMC (Bimico, giá 847.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2007), SJS (Sudico, giá 728.000 đồng vào năm 2007), FPT (Tập đoàn FPT, giá 665.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2007)…

Cổ phiếu VNZ cũng có lợi thế nhờ biên độ dao động một phiên trên UpCOM lên đến 15%. Nếu phong độ tiếp tục được duy trì như thời gian gần đây, VNZ hoàn toàn có thể phá kỷ lục vô tiền khoáng hậu của BMC.

Exit mobile version