Dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm “bão táp” nhưng theo thống kê, vẫn còn 43 doanh nghiệp Việt Nam có vốn hóa tỷ USD.
Sàn HNX không còn doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức đỉnh trên 1.500 điểm hồi tháng 4, chỉ trong hơn nửa năm sau đó đã nhanh chóng “lao dốc” xuống vùng 873 điểm. Chính sự bất ổn của thị trường đã khiến cho hàng loạt cổ phiếu rơi vào cảnh chao đảo. Hệ quả dễ thấy nhất, từ gần 70 doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD, tính đến hiện tại, con số này đã sụt giảm mạnh mẽ.
Chốt ngày 30/12/2022, số liệu trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCOM cho thấy, có tổng cộng 43 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 23.500 tỷ đồng), so với thời điểm đầu năm đã giảm 16 doanh nghiệp.
Theo đó, tổng vốn hóa của 43 doanh nghiệp “tỷ đô” đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương với mức 152 tỷ USD, giảm hơn 92 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Được biết, quy mô vốn hóa 43 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm 68% so với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (xấp xỉ 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương 223,7 tỷ USD).
Đáng nói, khi phân bổ các doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên các sàn, HoSE hiện có tới 37 doanh nghiệp vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên; sàn UPCom giảm 7 doanh nghiệp so với đầu năm, còn 6 doanh nghiệp. Đáng tiếc, không còn đại diện nào của HNX trong nhóm này. 2 cái tên góp mặt trên HNX thời điểm đầu năm là Thai Holdings (THD) và KS Finance (KSF) nay đã rời khỏi danh sách.
Màu Cam: sàn UpCOM; Còn lại: sàn HoSE
Vietcombank đang có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán
Với gần 380.000 tỷ đồng, tương ứng 16,11 tỷ USD, hiện Vietcombank đang là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Con số này thậm chí vượt xa tổng mức vốn hóa 2 ngân hàng BIDV (195.000 tỷ đồng ~ 8,31 tỷ USD) và Vietinbank (131. tỷ đồng ~ 5,57 tỷ USD).
“Bộ đôi” VinGroup đành ở vị trí á quân với vốn hóa Vinhomes đạt 209.000 tỷ đồng (8,89 tỷ USD) và Vingroup với 205.000 tỷ đồng (8,73 tỷ USD). Con số này nhỉnh hơn một chút so với vị trí thứ 4 vốn hóa là BID (8,3 tỷ USD).
OCB của Ngân hàng Phương Đông là có vốn hóa nhỏ nhất với 24.650 tỷ đồng, tương ứng 1,05 tỷ USD. Tuy nhiên, có thể thấy, ngân hàng này đã bứt phá mạnh hơn 46% so với thời điểm đáy hồi đầu tháng 10 để trở lại cột mốc này.
Trong danh sách, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế. Có tới 16 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,4 triệu tỷ đồng, tương ứng 59 tỷ USD, chiếm gần 27% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm ngành này là “đầu tàu”, dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong những tuần cuối năm, đây cũng là một trong những nhóm có sự hồi phục khá đáng kể.
Nhóm lớn thứ 2 là bộ 3 đại diện của VinGroup gồm Vingroup (VIC), VinHomes (VHM), Vincom Retail (VRE) với tổng 20,17 tỷ USD vốn hóa, chiếm gần 9% vốn hóa thị trường. Đáng tiếc, VEF của Vefac – một thành viên khác trong “nhóm VinGroup” lại trong cảnh “lao dốc” nhanh chóng kể từ đỉnh 275.000 đồng/cp hồi tháng 3 năm 2022. Thị giá của cổ phiếu này hiện chỉ còn 1/4, không còn nằm trong nhóm vốn hoá tỷ đô.
Đầu năm nay, 2 gương mặt lọt vào danh sách tỷ đô của ngành chứng khoán là SSI và VNDirect. Thế nhưng, tính đến tháng 6/2022, không còn công ty chứng khoán nào có mức hoá tỷ đô trên sàn. SSI là cái tên duy nhất góp mặt trong danh sách này thời điểm cuối năm.
Đây được xem là một tín hiệu khá tích cực, đánh dấu sự trở lại của nhóm ngành có độ nhạy cao với thị trường. Tuy nhiên, một số lưu ý vẫn cần được đặt ra là, tiền vào thị trường nói chung và nhóm chứng khoán nói riêng không đủ dồi dào. Chưa kể những tác động từ biến cố trên thị trường trái phiếu, lãi suất tăng là một trong những nguyên nhân chủ chốt ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán.
Ngành Bất động sản vẫn có sự hiện diện của những gương mặt “tỷ đô” quen thuộc như VinHomes (8,9 tỷ USD), Vingroup (8,7 tỷ USD), Becamex (3,6 tỷ USD), SunShine Homes (1,3 tỷ USD), Novaland (1,16 tỷ USD)… dù phải trải qua một năm 2022 đầy biến động. Tuy nhiên, không ít cái tên đã phải rời khỏi danh sách như Phát Đạt (PDR), DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SZC)…
Hai doanh nghiệp Viettel Global (2,6 tỷ USD) và FPT (3,6 tỷ USD) vẫn nằm trong danh sách vốn hóa tỷ USD của nhóm ngành viễn thông – công nghệ . Thế nhưng, từ giữa năm 2022, FPT Telecom đã không còn duy trì vốn hóa “tỷ đô” mà hiện tại chỉ còn khoảng 16.700 tỷ đồng ~ 0,71 tỷ USD.