Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đến hết quý III/2021 là 824,088 tỷ đồng.
Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) Quý III/2021.
Theo đó, số dư Quỹ BOG tính đến hết Quý III năm 2021 (đến hết ngày 30/9/2021) là 824,088 tỷ đồng.
Tổng số trích Quỹ BOG trong Quý III năm 2021 (từ 01/7/2021 đến hết 30/9/2021) là 502,284 tỷ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý III năm 2021 (từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/9/2021) là 802,947 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý III năm 2021 là 1,844 tỷ đồng; Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong Quý III năm 2021 là 14 triệu đồng;
Số dư Quỹ BOG đến hết Quý II năm 2021 (hết ngày 30/6/2021) là 1.122,920 tỷ đồng; Số dư Quỹ BOG đến hết Quý I năm 2021 (hết ngày 31/3/2021) là 5.340,068 tỷ đồng; Số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng.
Đánh giá việc chi quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều chỉnh giá xăng
Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu trên thế giới. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của việc các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm…
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg nhằm ổn định giá xăng trong nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn tăng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là những doanh nghiệp vận tải.
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
Trong đó, giá xăng dầu tăng tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Có nhiều quan điểm cho rằng, có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Về việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để điều chỉnh giá xăng, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta không nên can thiệp bằng quỹ bình ổn giá xăng. Bởi, nếu để giá xăng giảm xuống thấp, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam ra nước ngoài – điều mà chúng ta không thể chống đỡ được khi bù giá.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam đã liên kết sâu rộng với nền kinh tế khu vực, vì thế việc chấp nhận theo giá xăng quốc tế là điều không thể tránh khỏi.
Ông cho rằng, tối ưu nhất là tiết giảm chi phí ở các khu vực khác để hài hoà và chỉ can thiệp một cách rất hạn chế, tránh tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn, kích thích buôn lậu xăng dầu tăng cao.
Cát Anh (T/h)