Cơn sốt NFT: Triển vọng tăng trưởng bùng nổ

Cơn sốt NFT: Triển vọng tăng trưởng bùng nổ

NFT là viết tắt cho Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), là một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số blockchain. NFT là một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số (blockchain). Năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực NFT với những giao dịch trị giá lên đến hàng chục triệu USD.

Collins, từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới đã chọn “NFT” là từ nổi bật nhất trong năm 2021, khi tần suất sử dụng từ này tăng 11.000% so với năm trước. Các từ phổ biến trong danh sách hàng năm của Collins phản ánh xu hướng, mức độ quan tâm của người dùng internet trên khắp thế giới.

Theo số liệu thống kê, khối lượng giao dịch của thị trường đạt ít nhất 44,2 tỷ USD trong năm 2021, trong khi con số của năm 2020 chỉ khoảng 106,5 triệu USD và 15,2 triệu USD của năm 2019.

Giải mã NFT

Diễn giải theo cách đơn giản nhất, NFT là một mục nhập trên một blockchain – công nghệ sổ cái kỹ thuật số phi tập trung làm nền tảng cho các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin.

Điểm khác biệt ở giữa hai loại hình này là bitcoin có thể thay thế được, có nghĩa là một đồng bitcoin về cơ bản không thể phân biệt được với đồng bitcoin khác khác và chúng tương đương về giá trị.

Trong khi đó, NFT là chuỗi mã thông báo không thể thay thế và hoàn toàn khác biệt trên các blockchain. Vì vậy NFT có thể đại diện cho những thứ “có một không hai,” như một bức ảnh chụp cực hiếm hoặc thậm chí một bức tranh 

Mặc dù xuất hiện từ năm 2014 nhưng tới vài năm trở lại đây, NFT mới thật sự bùng nổ. Nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, người có ảnh hưởng thu được hàng chục triệu USD từ việc bán các bộ sưu tập. Nhà đồng sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey đã bán dòng tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT với giá 2,9 triệu USD.

Nghệ sĩ kỹ thuật số nổi tiếng Mike Winklemann, còn được biết đến với nghệ danh “Beeple”, đã tổng hợp 5.000 bức vẽ để tạo ra bức tranh NFT nổi tiếng được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD.

Theo các chuyên gia, giá trị của NFT không phải ở bản thân sản phẩm mà là quyền sở hữu sản phẩm đó. Bất kỳ người dùng internet nào cũng có thể xem, chụp ảnh màn hình hay tải về thiết bị cá nhân bức vẽ nổi tiếng của của Beeple, nhưng chỉ người chi hàng chục triệu USD để mua bức vẽ này sẽ có quyền sở hữu lưu lại trên nền tảng blockchain. Một khi quyền sở hữu được xác thực trên chuỗi khối sẽ không thể sửa đổi hay xóa bỏ.

Công nghệ chuỗi khối và NFT mang đến cho các nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung thêm cơ hội để kiếm tiền từ sản phẩm của họ. Nghệ sĩ không còn phải dựa vào phòng trưng bày, nhà đấu giá hoặc bên thứ ba để bán tác phẩm. Thay vào đó, nghệ sĩ có thể bán các sáng tác của mình trực tiếp cho người mua.

Ngoài ra, nghệ sĩ có thể tiếp tục nhận được phần trăm doanh thu bất cứ khi nào tác phẩm của họ được bán cho chủ sở hữu mới. NFT có thể được mã hóa để cho phép người tạo sản phẩm ban đầu thu tiền mỗi lần mã đại diện đó được giao dịch, thường từ 2,5 – 10% giá bán.

Những tên tuổi lớn tham gia thị trường

Thời gian gần đây, thị trường NFT chứng kiến sự tham gia của không ít “ông lớn” Internet và công ty thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra còn có các thương hiệu thời trang và thể thao như Adidas, Gucci, Louis Vuitton…

Hồi tháng 9-2021, tạp chí Time đã công bố bộ sản phẩm NFT cung cấp quyền truy cập không giới hạn vào trang web của tạp chí đến năm 2023. Cũng trong tháng này, thương hiệu khoai tây Lays của PepsiCo hợp tác với nền tảng kỹ thuật số Project Ark cho ra mắt bức tranh, được tạo nên từ hơn 3.000 bức ảnh chụp nụ cười của 3.000 người trên thế giới. Số tiền 300.000 USD thu được từ phiên đấu giá bán bức tranh này được quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Hãng thời trang xa xỉ Dolce&Gabbana đã ra mắt bộ sưu tập thời trang cao cấp phiên bản NFT. Mới đây nhất, tháng 12-2021, hãng thời trang thể thao Nike đã mua lại RTFKT – một công ty chuyên phát triển giày kỹ thuật số. Giám đốc điều hành Nike John Donahoe nhấn mạnh, việc mua lại RTFKT đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số của Nike.

Các mạng xã hội cũng đang chạy đua để xây dựng các tính năng liên quan đến NFT. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng được cho là đang tìm cách cho phép người dùng tạo và bán trên hai nền tảng mạng xã hội của họ là Facebook và Instagram. Công ty cũng đang phát triển một công cụ cho phép người dùng tự tạo NFT của riêng họ trên nền tảng Meta.

Vào tháng 12-2021, Giám đốc Instagram – Adam Mosseri – cũng chia sẻ rằng công ty đang phát triển NFT. Trước đó, ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok đã tham gia vào cơn sốt này với việc công bố ra mắt loạt NFT đầu tiên “TikTok Top Moments” vào hồi tháng 9-2021.

Tháng 10-2021, nhà phát triển bất động sản và trung tâm thương mại Malaysia Hatten Land hợp tác với công ty phát triển trò chơi blockchain EnjinStarter phát triển hệ thống NFT để tích điểm cho khách hàng, sử dụng trong hệ thống các trung tâm thương mại và khách sạn của tập đoàn này ở Malacca.

Để bắt kịp với công nghệ mới cũng như ứng phó với những rủi ro tiềm tàng của lĩnh vực NFT còn nhiều điều chưa được hiểu rõ, Tập đoàn đã mở rộng tuyển dụng các chuyên gia công nghệ blockchain cũng như chuyên gia an ninh mạng.

Trường hợp của Hatten Land không phải cá biệt. Các chuyên gia về NFT đang ngày càng được săn đón trên thị trường, đặc biệt từ các công ty lớn. Thông tin tuyển dụng trên website chính thức của Walt Disney cho thấy công ty này đang tìm kiếm một giám đốc phát triển nghiệp vụ có kinh nghiệm trên lĩnh vực NFT.

NFT tài sản ảo nhưng mang lại giá trị thật

Ngoài những bộ sưu tập nghệ thuật, các vật phẩm như trò chơi, âm nhạc, bất động sản, rượu vang… về cơ bản đều có thể biến thành NFT. Thậm chí ngay cả các tài sản tài chính như hợp đồng bảo hiểm trọn đời.

Vào cuối tháng trước, công ty Sundance Strategies của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tuyên bố kế hoạch triển khai sản phẩm NFT bảo hiểm nhân thọ.

Theo Hồ Kiện Quyền, nhà sáng lập công ty bất động sản ảo The Mettaverse, giá trị cơ bản của NFT là quyền sở hữu tài sản. Do tính chất độc nhất, không thể làm giả quyền sở hữu, việc nắm trong tay một sản phẩm NFT là cách nhiều người thỏa mãn đam mê sưu tầm, thể hiện địa vị xã hội, hoặc đơn thuần coi đó là một khoản đầu tư với kỳ vọng sẽ bán lại với giá cao hơn.

Tuy nhiên, hướng đi mà nhiều công ty đang hướng đến khi khai thác là khả năng liên kết tài sản ảo với thế giới thực, mang lại giá trị sử dụng cho NFT. Chẳng hạn, có thể sử dụng để làm thẻ hội viên, cho phép người sở hữu tham gia các câu lạc bộ cả thực và ảo.

Ví dụ, nếu bên mua mua một thẻ thành viên NFT của Câu lạc bộ du thuyền Bored Ape, họ cũng sở hữu vé vào cổng của câu lạc bộ này. Hãng nước giải khát Coca-Cola cũng phát hành bộ sưu tập để bán đấu giá và quyên góp số tiền bán được cho một sự kiện thể thao quốc tế dành cho người khiếm khuyết trí tuệ.

Ông Hồ Kiện Quyền cho biết thêm trong ngành bất động sản, không ít dự án NFT cũng cho phép bên mua có cơ hội nắm giữ quyền sở hữu một phần bất động sản thực tế. Sau khi nhà phát hành đưa ra một loạt NFT, có thể sử dụng số tiền thu được từ việc bán NFT để mua một bất động sản thực tế, cho phép những khách hàng nắm giữ NFT có quyền sở hữu một phần bất động sản thực.

Cách đây không lâu, một ngôi nhà ở thành phố Gulfport thuộc bang Florida được rao bán dưới hình thức NFT với giá khởi điểm là 650.000 USD, thu hút hơn 7.000 nhà đấu thầu tiềm năng. Bên cạnh nhận được NFT, bên mua cũng sẽ có quyền sở hữu bất động sản. Đây là thương vụ giao dịch bất động sản được tiến hành bằng hình thức NFT đầu tiên của Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính nhận định NFT chỉ là cách thức kiếm tiền mới nhất của thế giới tiền điện tử (cryptosphere – ngành công nghiệp quay xung quanh blockchain, bitcoin và các loại mã đại diện khác).

Exit mobile version