COVID-19 và góc nhìn từ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Niềm tin và chiều sâu nội lực của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang được thể hiện mạnh mẽ trước những khó khăn do Covid-19.

Doanh nghiệp đối mặt khó khăn chưa từng có tiền lệ

Theo thống kê, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam có quy mô khoảng 550 doanh nghiệp thành viên và và 2.000 đại diện doanh nghiệp cá nhân. Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã tiến hành khảo sát và cho thấy những con số đáng quan tâm.

Theo đó, 85% số doanh nghiệp cho rằng, vaccine là chìa khóa giúp mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. 49% số doanh nghiệp Hoa Kỳ được hỏi cho biết hầu hết hoặc tất cả lực lượng lao động của họ đã được tiêm chủng ít nhất một liều, gần gấp đôi tỷ lệ của vài tuần trước đó.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham cho biết, cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ đặc biệt hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID và việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại an toàn và phục hồi kinh tế.

Quan trọng nhất, cộng đồng doanh nghiệp FDI cần biết được thông tin rõ ràng về các định hướng, lộ trình chính sách của chính quyền.

Khi chúng ta tiến tới trạng thái như Việt Nam gọi là “bình thường mới”, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp, đồng bộ giữa thực thi các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, tính sẵn sàng và hợp lý của công tác xét nghiệm nhanh, các phản ứng y tế để sàng lọc F0 nhanh chóng giúp bảo đảm an toàn cho người lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Mary Tarnowka cho biết.

Cũng chia sẻ những khó khăn tương tự, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phân tích về những thách thức trước mắt, ngắn hạn do COVID-19 gây ra. Cụ thể,  ông Alain Cany thông tin từ khi làn sóng COVID-19 thứ 4 xuất hiện, chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ đạt ngưỡng 15,2 điểm.

Ngoài ra, 51% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng hiện nay không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc doanh nghiệp cần làm gì trong trường hợp xuất hiện ca F0 tại nhà máy.

Yêu cầu hiện nay là mở cửa dần dần các tỉnh, thành phố, để các hoạt động thương mại diễn ra trong điều kiện bình thường mới. Việc nối lại hoạt động kinh tế cần gắn liền với thực hiện triệt để các quy định nhất quán, tập trung nhằm giảm bớt sự nhầm lẫn của doanh nghiệp FDI về các quy định và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, đồng thời hợp lý hóa, đơn giản hóa hơn nữa các yêu cầu hải quan, Chủ tịch EuroCham đề nghị.

Tín hiệu lạc quan từ “tâm dịch”

Bất chấp tình hình giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại Bình Dương,  Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro. Tetra Pak Bình Dương cũng là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất tại Bình Dương suốt những ngày qua.

Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ 11,5 tỉ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỉ vỏ hộp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu…

Cách đó không xa, cũng là một địa bàn tâm dịch, từ Đồng Nai, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, bao gồm khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD trong 2 năm, đưa tổng đầu tư lên hơn 730 triệu USD.

 “Chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển của Chính phủ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã tạo được niềm tin, khuyến khích doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh”, ông Binu Jacob nói.

Còn với Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh đến quá trình xây dựng Trung tâm R&D mới của Tập đoàn này. Thừa nhận có những khó khăn do Covid-19 nhưng với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và thành phố Hà Nội, Samsung sẽ hoàn thiện công trình an toàn vào cuối năm 2022, đúng như cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Samsung và để tạo nên bức tranh đầu tư chiến lược trị giá 17,7 tỷ USD của Samsung.

Bên cạnh Bình Dương, Đồng Nai, có thể kể tới dự án LG Display Hải Phòng (của Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn 1,4 tỷ USD ngày 30/8; dự án nhà máy sản xuất giấy tại Vĩnh Phúc (của Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD (ngày 23/7); dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (ngày 13/5).

Rõ ràng, ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận nhiều dự án lớn.

Trong báo cáo được công bố giữa tháng 9,  Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ  năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, tăng hơn 1,5 tỷ USD so với 8 tháng. Xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 9 tháng.

Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%). Tuy nhiên, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.

Thực tế này khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cho dù đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định: Trong vòng 10 đến 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản.

Hầu như sẽ chẳng có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù tất nhiên họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới. Các công ty Nhật Bản có thể sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách đẩy mạnh đa dạng hóa và phân tán hoạt động. Hoặc, họ cũng có thể tăng cường đặt hàng bên ngoài và đi thuê nhà xưởng”, ông nói.

Còn với Amcham, 550 doanh nghiệp thành viên của AmCham và 2.000 đại diện doanh nghiệp cá nhân trên khắp cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết với Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư trong tương lai, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Tương tự, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng đánh giá, Việt Nam có thể đón một làn sóng FDI mới trong thập kỷ tới nếu tiếp tục duy trì và phát huy các thành tích cải cách như những năm qua.  Về lâu dài, một khi COVID-19 được kiểm soát trở lại, EU và Việt Nam có cơ hội đáng kể để tăng cường thương mại và đầu tư nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Cho rằng phòng chống, thích ứng hay khắc phục những hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra cần một lộ trình, không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, Chủ tịch Alain Cany đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng một cách hài hoà và tinh tế giữa bảo vệ sức khỏe toàn dân và thúc đẩy kinh tế. Trên tinh thần tin tưởng vào hợp tác lâu dài và tình hữu nghị bền chặt, EuroCham đang làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ Việt Nam đạt được “mục tiêu kép” này.

Sự cởi mở của nền kinh tế, mạng lưới các FTA rộng lớn, lực lượng lao động trẻ được đào tạo bài bản, giai cấp trung lưu đang nổi lên là những yếu tố khiến Việt Nam là điển hình thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro chia sẻ. “Không nghi ngờ gì khi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài”, ông nói.

Exit mobile version