CPI bình quân 10 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

CPI bình quân 10 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

CPI bình quân 10 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 (CPI) tháng năm 2021 tăng 1,81%. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số này.

CPI tháng 10 giảm 0,2%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,21%). Tháng Mười, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá.

Trong tháng này, có 3 nhóm hàng giảm giá gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 1,28%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,26%); nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,04%).

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tỷ lệ giảm tương đối. Trong đó, so với tháng trước, giá thực phẩm tháng 10/2021 giảm 2,05%. Điều này khá dễ hiểu bởi dịch bệnh dần được kiểm soát, nguồn cung được bảo đảm. Người dân vì thế cũng không còn tâm lý mua gom tích trữ.

Ngược lại, có 8 nhóm hàng tăng giá gồm: Nhóm giao thông tăng cao nhất (2,51%). Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Đồng thời, dịch vụ giao thông công cộng tháng 10 so với tháng trước cũng tăng 0,08%, ảnh hưởng từ việc giá xăng và giá dầu tăng.

Ngoài ra, nhóm giáo dục; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm hàng hóa và dịch vụ cũng có tăng trưởng.

Thêm nữa, một số nhóm hàng có mức tăng không đáng kể so với tháng 9 là: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình.

Lý do CPI trong 10 tháng năm 2021 tăng

10 tháng của năm 2021, giá năng lượng trong nước chịu tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới. 18 đợt điều chỉnh giá xăng, trong đó, đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng cũng tăng hơn 14 nghìn đồng/lít đã khiến cho giá xăng dầu trong nước tăng 27,23% trong bình quân 10 tháng, làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm.

Giống như xăng, giá gas trong nước cũng bị biến động theo thị trường thế giới. Tròng vòng 10 tháng, giá gas đã có 8 đợt tăng và 2 đợt giảm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tính bình quân 10 tháng giá gas tăng 23,81%, CPI chung vì thế cũng tăng 0,35 điểm phần trăm.

CPI chung tăng thêm 0,17 điểm phần trăm nhờ giá dịch vụ giáo dục trong 10 tháng tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021, tínhtheo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Giá gạo 10 tháng năm 2021 tăng 6,24% so với cùng kỳ năm trước kéo theo CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Nguyên nhân phần lớn do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Chưa kể, trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu tích lũy gạo của người dân cũng tăng lên.

10 tháng năm 2021, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thế, CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Nguyên nhân do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Covid-19 “kéo” CPI 10 tháng năm 2021 xuống

Giá xăng, gạo, gas và vật liệu bảo dưỡng nhà ở đã góp phần làm “nhích” nhẹ chỉ số CPI. Tuy nhiên, chỉ số này trong 10 tháng năm 2021 được đánh giá là còn thấp. Có một số nguyên nhân khiến CPI 10 tháng năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tiên phải kể đến là giá các mặt hàng thực phẩm. Trong 10 tháng năm 2021, giá các mặt hàng này đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2020, khiến CPI giảm 0,09 điểm phần trăm. Trong số đó, giá thịt lợn giảm 8,45%; giá thịt gà giảm 0,74%.

Hơn nữa, việc chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến chỉ số CPI ảnh hưởng.

Cụ thể, quý II (giảm từ tháng 5/2020) và quý IV năm 2020 (vào tháng 1/2021), Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng cũng như người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8, tháng 9/2021.

Bởi vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá điện sinh hoạt bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 1,19%, làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm.

Thêm vào đó, việc giãn cách xã hội khiến người dân đi lại khó khăn, bị hạn chế. Hoạt động mua vé xe, vé máy bay ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết, giá vé máy bay 10 tháng năm 2021 giảm 21,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá du lịch trọn gói cũng giảm 2,54%.

Có thể thấy, việc chỉ số CPI tăng nhẹ cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ cũng như các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh cũng như ổn định giá cả thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là viết tắt của Consumer Price Index. Dùng để đo lường mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình mua.

Sự biến động của chỉ số CPI có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát. Khi giá cả tăng tới mức không thể kiểm soát nổi thì lạm phát trở thành siêu lạm phát, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Cát Anh

Exit mobile version