CPI tháng 7 tăng 0,4%, nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất

CPI tháng 7 tăng 0,4%, nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,4%. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số CPI tăng 2,54%.

Nguyên nhân khiến CPI tháng 7 tăng

Chỉ số CPI tháng 7/2022 so với tháng trước tăng 0,4%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,42% và khu vực nông thôn tăng 0,37%. Có 10 trong tổng 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước; duy nhất nhóm giao thông giảm giá ở mức 2,85% bởi giá xăng dầu trong nước giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 của nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 1,37% so với tháng trước đã góp phần làm CPI chung tăng thêm 0,46 điểm phần trăm. Trong đó, thực phẩm tăng cao nhất lên tới 1,6%, tiếp theo là ăn uống ngoài gia đình (+1,28%), lương thực (+0,31%)…

Thực phẩm bị đội giá

Cụ thể, giá thực phẩm tháng 7 tăng bởi giá các loại mặt hàng đều tăng cao. Đặc biệt, giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng trước bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá cả của thức ăn chăn nuôi cũng như hoạt động vận chuyển tăng cũng khiến giá thịt gia cầm tăng 1,92% so với tháng trước. Giá trứng cũng không ngoại lệ khi tăng thêm 3,1%.

Giá nhiên liệu tăng khiến cho giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,69% so với tháng trước, giá thủy sản chế biến tăng 0,44%.

Việc nguyên liệu đầu vào để sản xuất dầu cọ tăng cao đã đẩy giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng thêm 2,11% so với tháng trước. Các sản phẩm như nước mắm, nước chấm, đường, mật, bơ, sữa, cacao, bánh kẹo… đều tăng.

Mặt hàng rau tươi, khô, đã chế biến so với tháng trước tăng 1,79%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển tăng.

Nhóm lương thực, chỉ số giá của tháng 7 cũng tăng 0,31% dù nguồn cung trong nước dồi dào. Nguyên nhân giá gạo tăng bởi gạo xuất khẩu, cùng với đó là vật tư như phân bón hay nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như bánh mì, mỳ sợi, phở, mỳ, cháo ăn liền, bột mỳ, miến, ngũ cốc ăn liền đều tăng so với tháng trước. Nguyên nhân bởi giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển đều tăng.

Do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao, cùng với đó, tháng Bảy là thời kỳ cao điểm của du lịch nên giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2022 tăng 1,28%.

Văn hóa, giải trí và du lịch

Chỉ số giá của nhóm này trong tháng 7 tăng 0,79% so với tháng trước nhờ vào giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 1,99%; du lịch ngoài nước tăng 0,32%; giá dịch vụ khách sạn, nhà khách cũng tăng 0,76% trong bối cảnh nhu cầu du lịch nội địa tăng cao dịp hè.

Giá thiết bị văn hóa cũng tăng 0,06%; dịch vụ thể thao tăng 0,89%; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,11%.

Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,49%)

Một số nguyên nhân khiến cho chỉ số giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49% đến từ giá điện sinh hoạt tăng 1,86%, giá nước sinh hoạt tăng 0,84% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng mùa hè tăng cao.

Trong bối cảnh mức lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7/2022, nhu cầu xây dựng tăng cao thì giá dịch vụ sửa chữa nhà ở cũng tăng thêm 1,09%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà cũng tăng 0,63% bởi giá các vật liệu xây dựng đều tăng.

Tuy nhiên, trong tháng 7, một số mặt hàng giá giảm so với tháng trước, phải kể đến là gas (-1,54%), dầu hỏa (-1,38%).

Đồ uống và thuốc lá (+0,39%)

Nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm đồ uống và thuốc lá tăng trong mùa hè, thêm vào đó là giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào đều tăng khiến cho chỉ số giá của nhóm này tăng.

May mặc, mũ nón, giày dép (+0,32%)

Với việc nguyên phụ liệu sản xuất tăng, chi phí vận chuyển cùng với nhu cầu mua sắm vào mùa hè cũng tăng nên chỉ số giá nhóm này tháng 7 đã tăng 0,32% so với tháng trước. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,37%; dịch vụ may mặc tăng 0,28%; giày dép tăng 0,19%; mũ nón tăng 0,26%.

Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,32%)

Tháng 7/2022, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng đồ nhựa và cao su, giấy ăn, đồ dùng kim loại, xà phòng và chất tẩy rửa, giá giường – tủ – bàn ghế. Nhưng ở nhóm này, giá một số mặt hàng như bếp gas, bàn là điện, nồi cơm điện lại giảm.

Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%)

Chỉ số giá của nhóm này tăng 0,43% so với tháng trước, trong đó tập trung vào các mặt hàng chăm sóc cơ thể, dịch vụ phục vụ cá nhân, dịch vụ hiếu hỉ, dịch vụ vệ sinh môi trường.

Giao thông (-2,85%)

Tháng 7, chỉ số giá của nhóm giao thông giảm 2,85% so với tháng trước khiến cho CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm. Nguyên nhân bởi 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%.

Tuy nhiên, giá của dịch vụ giao thông công cộng lại tăng 2,16% bởi đang trong mùa cao điểm du lịch. Giá các mặt hàng xe máy, xe đạp, ô tô tăng do nguồn cung linh kiện, phụ tùng thiếu.

Chỉ số giá vàng (-2,39%)

So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước biến động cùng chiều. Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 trong nước giảm 2,39% so với tháng trước và tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân 7 tháng năm 2022, giá vàng trong nước tăng 6,58%.

Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,62%)

Trên thị trường thế giới, đồng đô la Mỹ tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác nhằm hạ nhiệt lạm phát. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân 7 tháng của năm 2022, chỉ số giá USD tăng 0,08%.

Exit mobile version