Cửa khẩu Lạng Sơn lại ùn ứ hơn 1.800 xe hàng

Cửa khẩu Lạng Sơn lại ùn ứ hơn 1.800 xe hàng

Sau Tết, hiện tượng ùn ứ xe nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn tiếp tục tái diễn.

Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược Zero Covid, năng lực thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn chậm

Tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu chính ở Lạng Sơn là Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh tính đến sáng 13/2 là 1.815 xe. So với hôm trước đó đã giảm 36 xe. Trong đó có tới 90% số xe là chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ.

So với nhu cầu xuất khẩu hàng sang Trung Quốc thì năng lực thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn chỉ bằng 1/6, đạt khoảng 70-80 xe/ngày. Nguyên nhân do Trung Quốc duy trì chiến lược “zero Covid”, siết chặt biện pháp phòng dịch với lái xe và phương tiện vận chuyển.

Trước đây, thời gian thông quan chỉ 10-15 phút thì giờ lên tới vài tiếng đồng hồ. Đối với hàng đông lạnh, dù chủ hàng cung cấp đủ các giấy tờ vẫn bị kiểm tra chặt chẽ.

Khoảng 100-200 xe hàng mỗi ngày được đưa lên cửa khẩu, chủ yếu là nông sản. Theo tính toán của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, phải mất 10-15 ngày mới có thể thông quan xong.

Sở Công Thương Lạng Sơn vào tuần trước đã thông báo về việc, từ ngày 16 đến 25/2 sẽ dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc.

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, dù việc ùn tắc biên ngày đầu năm không ảnh hưởng nhiều như đợt cuối năm ngoái nhưng một số nông sản đang bị ùn ứ, đối mặt với nguy cơ giảm giá. Theo ông Nguyên, nếu Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero covid“, xuất khẩu của ta sang nước này sẽ giảm 30-40%.

Doanh nghiệp vận tải đau đầu

Việc ùn ứ xe hàng ở cửa khẩu tiếp diễn khiến cho tài xế mệt mỏi, doanh nghiệp đau đầu.

Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải quốc tế Thái Việt Trung Trần Văn Hào ước tính, với hơn 30 xe hàng đang nằm chờ ở các cửa khẩu Lạng Sơn, chi phí mỗi ngày tăng thêm từ 60-80 triệu đồng.

Thông quan chậm ở cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh: UBND tỉnh Lạng Sơn).

Theo ông Trần Văn Hào, để đưa một xe hàng từ vườn đến cửa khẩu giờ gấp 3 lần thông thường, mất từ 25-30 ngày. Giá thuê tài xế trung chuyển hàng cũng tăng gấp 2-3 lần. Thân quen thì 3 triệu đồng/người/xe, không thì giá phải là 5 triệu đồng.

Theo ông Hào, lượng thông quan hàng ngày ít, không còn cách nào khác là doanh nghiệp tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý. Nhưng tình trạng này tái diễn, kéo dài khiến thiệt hại không riêng với doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp tính lại phương án

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải tính lại phương án đưa hàng sang Trung Quốc.

Ông Đặng Hoàng Giang – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ, lần này hiệp hội thông báo sớm tới các doanh nghiệp để đơn vị nào định đưa  hàng lên cửa khẩu sẽ ngừng ngay và chuyển hướng.

Giám đốc doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đồng Tháp cũng đang tạm ngưng dù chuẩn bị xuất lô xoài đầu năm sang Trung Quốc để xem xét lại tình hình.

Giám đốc Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành – Huỳnh Ngọc Có cho biết, công ty đã ngưng hết các đơn hàng đường bộ và đang tiến hành nghiên cứu lại thị trường, lên các phương án xuất qua Trung Quốc bài bản hơn.

Theo ông Có, ngoài việc cải tiến cách thức trồng, trồng gối đầu, rải vụ với sản lượng thấp hơn hoặc cấp mã vùng trồng theo quy hoạch đáp ứng tiêu chí của nước bạn thì công ty ông còn đẩy mạnh kết hợp với nhiều đối tác hơn để xuất đường biển với nhiều quốc gia khác nữa.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nếu Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu “zero Covid” thì khó cải thiện được tình trạng ùn ứ ở các cửakhẩu nên vẫn “rất cần thêm các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất giữa hai bên để giải quyết nút thắt này”.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version