Theo thông báo mới nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, doanh nghiệp này nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh.
FLC bị cưỡng chế gần 1,6 tỷ
Biện pháp FLC bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế là trích tiền từ tài khoản của tập đoàn mở tại 3 ngân hàng, gồm có Ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh Hà Nội, BIDV chi nhánh Quảng Ninh, VietinBank chi nhánh Quảng Ninh.
Lý do FLC bị cưỡng chế thuế là do công ty nợ thuế. Tổng số tiền doanh nghiệp này bị cưỡng chế là gần 1,6 tỷ đồng. Việc tiến hành cưỡng chế thuế sẽ bắt đầu từ ngày 30/11 đến ngày 29/12/2022.
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch HĐQT bị bắt, trong nửa năm trở lại đây, tập đoàn này đã nhiều lần bị cưỡng chế hoặc xử lý thuế.
Nếu tính tổng số tiền FLC bị cưỡng chế từ các cơ quan quản lý thuế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 1.390 tỷ đồng. Trong đó, lần gần nhất tập đoàn bị cưỡng chế thuế là vào ngày 28/10. Thời điểm đó, Chi cục Thuế Thành phố Kon Tum đã cưỡng chế gần 54 triệu đồng của doanh nghiệp này vì nợ thuế quá 90 ngày.
FLC nhận vô số quyết định cưỡng chế thuế từ các tỉnh
Trước đó, tập đoàn FLC nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình từ ngày 28/9. Lần này, số tiền cưỡng chế là hơn 457,7 tỷ đồng.
Hôm 5/9, cách đây 1 tháng, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng ra quyết định về việc cưỡng chế thuế đối với tập đoàn này bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng. Thời điểm đó, tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 448 tỷ đồng.
Chưa hết, hồi đầu tháng 8, FLC nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. Theo đó, tổng số tiền cưỡng chế là gần 224 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Bình, tập đoàn này đã phải nhận không ít quyết định cưỡng chế thuế.
Ngoài Cục thuế tỉnh Quảng Bình, tập đoàn FLC còn nhận 9 quyết định từ Cục Thuế Thành phố Hà Nội. Theo đó, công ty này bị cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng, phạt hành chính 11,5 triệu đồng.
Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn – Quảng Xương ngày 18/8 cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với tập đoàn này với số tiền hơn 130 tỷ đồng bằng hình thức phong tỏa tài khoản.
Từ ngày 9/9 đến nay, cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch do không công bố nhiều báo cáo theo quy định. Tập đoàn cho biết sẽ phát hành các báo cáo tài chính năm 2021 trong thời gian sớm nhất, để đủ điều kiện tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 nhằm cứu cổ phiếu.
FLC trước đó dự kiến tổ chức phiên họp thường niên vào tháng 11 và công bố báo tài chính bán niên soát xét vào tháng 12. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa có động thái gì xoay quanh việc cứu cổ phiếu.