Nhiều người dân châu Âu đang phải quay trở lại nguồn nhiên liệu lâu đời nhất thế giới để sưởi ấm.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, phương Tây đã hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga. 70% năng lượng dùng để sưởi ấm ở châu Âu đến từ khí đốt tự nhiên và điện với nguồn cung cấp từ Nga giảm đáng kể, hiện tại, củi đã trở thành mặt hàng được “săn lùng” tại châu Âu. Thậm chí, người dân Đức còn có những yêu cầu về việc đốt phân ngựa và các loại nhiên liệu không phổ biến khác để sưởi ấm.
Tại khu vực cách không xa sân bay Tempelhof ở thủ đô Berlin (Đức), ông Peter Engelke đang dựng một chiếc cổng an ninh mới cho nhà kho của mình vì lo ngại thứ đang chứa trong kho có thể bị đánh cắp. Tài sản quý giá nhất lúc này đang gặp rủi ro trong các kho của Engelke là củi – hành động của ông phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng trên khắp châu Âu.
Lục địa này đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu năng lượng và thậm chí có thể mất điện vào mùa đông này. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Prague hôm 7/10, các nhà lãnh đạo EU đã không đồng ý về giới hạn giá khí đốt tự nhiên vì họ lo ngại rằng bất kỳ biện pháp hạn chế nào như vậy có thể đe dọa nguồn cung năng lượng của khu vực.
Ngoài Đức, báo cáo cũng trích dẫn rằng tại Pháp, giá nhiên liệu viên nén gỗ đã tăng gần gấp đôi lên 600 euro / tấn. Hungary thậm chí còn cấm xuất khẩu nhiên liệu dạng viên, và Romania đưa ra mức giá trần đối với giá củi trong sáu tháng.
Bên cạnh những lo lắng về tình trạng thiếu hụt năng lượng, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến chi phí sinh hoạt tăng vọt, với lạm phát ở khu vực đồng euro lần đầu tiên đạt mức hai con số vào tháng 9. Trên khắp châu Âu, các gia đình đang gặp khó khăn ngày càng phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hệ thống sưởi và các nhu cầu thiết yếu khác.
Mặt khác, nhiều người châu Âu quan tâm nhất đến việc làm thế nào để giữ ấm trong những tháng tới, một mối quan tâm trở nên cấp thiết hơn khi đợt lạnh mùa đông đến gần, và tâm lý này có thể dẫn đến những hậu quả về sức khỏe và môi trường.
“Chúng tôi lo rằng mọi người sẽ đốt những thứ họ có thể đốt. Mức độ ô nhiễm có thể ở mức rất cao nếu những người đốt gỗ không biết cách đốt sao cho đúng” – Người đứng đầu bộ phận chất lượng không khí tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển Roger Sedin cho hay.
Ngoài ra, sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng thể hiện rõ ở Đức, nơi các hiệp hội dọn dẹp ống khói của quốc gia này đang giải quyết rất nhiều yêu cầu hỗ trợ kết nối ống khói với lò mới lẫn lò cũ, đồng thời tư vấn khách hàng khi họ hỏi về việc đốt phân ngựa và các loại nhiên liệu khó hiểu khác để sưởi ấm.
Tại Berlin, cuộc khủng hoảng đang gợi nhớ đến tình hình hậu Thế chiến II một cách đáng lo ngại. Vào thời điểm đó, do thiếu nhiên liệu, người ta đã chặt gần như toàn bộ cây cối trong công viên Tiergarten của Berlin để sưởi ấm. Mặc dù người dân Berlin hiện nay sẽ không thực hiện các biện pháp cực đoan như vậy nhưng lo ngại về việc giữ ấm vẫn căng thẳng.