Những nhịp điều chỉnh mạnh đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng 1 tháng trở lại đây. VN-Index giảm nhanh từ đỉnh lịch sử 1.522,9 điểm của phiên 6/4 xuống hàng trăm điểm, thậm chí đã thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200. Đến phiên hôm nay 17/5, thị trường mới được hưởng “mưa rào sau nắng hạn” với việc chỉ số VN-Index đóng cửa tăng kỷ lục hơn 56,42 điểm lên 1.228,37 điểm. Đặc biệt, đây cũng là vùng đỉnh của chỉ số sàn HoSE cách đây 4 năm, khoảng đầu năm 2018.
Tuy ở cùng một mốc điểm, song thị trường chứng khoán sau 4 năm ghi nhận nhiều điểm khác biệt. Nổi bật nhất là mức vốn hóa thị trường sàn HoSE sau chừng đó thời gian đã ghi nhận đà tăng ấn tượng. Cụ thể, ghi nhận tại thời điểm kết phiên 17/5/2022, vốn hóa sàn HoSE đạt 4.873.212 tỷ đồng. Con số này vào thời điểm cuối tháng 3/2018 chỉ là 3.168.099 tỷ đồng, tương ứng đã tăng thêm hơn 1,7 triệu tỷ đồng sau hơn 4 năm.
Tương quan diễn biến chỉ số VN-Index và vốn hóa HoSE
Trong khoảng thời gian từ 2018 đến nay, Luật Chứng khoán mới có hiệu lực với nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung đã mở rộng thêm không gian đầu tư, kích thích thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Thanh khoản được cởi trói, câu chuyện nâng hạng cộng thêm bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp và các kênh đầu tư khác gặp trở ngại do dịch bệnh đã giúp thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng lực hấp dẫn. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân ồ ạt chảy vào, giúp thị trường dần thực hiện đúng chức năng của mình là một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
Không những vậy, hàng loạt doanh nghiệp đã lên sàn và niêm yết trong vài năm trở lại đây, có thể kể tới nhiều tên tuổi lớn như HVN, SAB, GVR, BCM…. Đặc biệt, đại diện tiêu biểu là “bom tấn” Vinhomes (VHM) đã tiến hành niêm yết ngày 17/5/2018, ngay lập tức thu hút sự quan tâm mạnh, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt. Sau đó, từ năm 2018 đến 2021, hàng loạt ngân hàng cũng tiến hành niêm yết hoặc chuyển sàn sang HoSE như TCB, TPB, HDB, ABB, VIB, OCB, VBB, MSB, SHB, ACB, LPB…đã đẩy quy mô vốn hóa thị trường tăng trưởng vượt bậc.
Đồng thời, quy mô thị trường còn được bổ sung bởi một lượng lớn cổ phiếu được doanh nghiệp phát hành mới nhằm tận dụng tối đa chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán. Ước tính riêng trong năm gần nhất là 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần – con số kỷ lục về lượng vốn huy động thông qua phát hành, gấp hơn 5 lần năm 2020. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của hoạt động phát hành cũng đòi hỏi sự giám sát kỹ càng hơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này sẽ đảm bảo tránh được các hành vi như doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả nguồn vốn huy động được hay các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn liên tục phát hành nhằm huy động vốn.
Trong khi thị trường liên tục mở rộng về cả độ rộng và độ sâu, định giá cũng là yếu tố gây chú ý. Cùng đứng tại mức điểm quanh ngưỡng 1.200, tuy nhiên hiện thị trường chứng khoán đang rẻ hơn rất nhiều so với 4 năm về trước. Cụ thể, theo số liệu từ Algoplatform, hiện tại P/E của thị trường đã lùi về ngưỡng 12,63 lần, chiết khấu khá nhiều so với P/E 16,4 lần khi chỉ số lập đỉnh hồi tháng 4/2022. Thậm chí nếu so với thời điểm điểm cùng ở vùng 1.200 của năm 2018 – khi đó P/E của VN-Index leo tới ngưỡng 20,18 lần – mức P/E hiện tại cũng đang thấp hơn đáng kể.
Định giá VN-Index đang “rẻ” hơn rất nhiều so với mức đỉnh năm 2018
Đánh giá gần nhất của SGI Capital, TTCK Việt Nam trong quá khứ đã từng có 3 lần sụt giảm mạnh, đều đưa định giá P/E của VN-Index về dưới 12.x, và mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó với mức tăng 35-80% sau 1 năm.
Theo quan điểm của SGI Capital, lần giảm mạnh gần đây có sự khác biệt là kinh tế Việt Nam đang có nền tảng cân đối vĩ mô vững vàng nhất trong 15 năm qua và các doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ phục hồi hậu COVID-19. Do vậy, những lý do để bán tháo cổ phiếu về mức rất rẻ lần này không tới từ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính tới từ những sự kiện, tin tức chi phối tâm lý NĐT và dòng tiền vào ra tạo ra sự biến động ngắn hạn đôi khi rất cực đoan và quá đà của thị trường.
“Đợt bán tháo của thị trường lần này có thể coi là dấu chấm hết của kỷ nguyên tiền rẻ và dễ dãi, đồng thời mở ra sự khởi đầu cho một chu kỳ mới, đi lên bền vững hơn dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế thực và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp”, SGI Capital nhận định.
Đồng quan điểm, Dragon Capital cho rằng việc giá cổ phiếu giảm kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận đưa định giá cổ phiếu Việt Nam trở nên rất hấp dẫn khi chỉ số P/E trượt giảm về mức thấp hơn mức trung bình 5 năm. So sánh với các thị trường trong khu vực, theo quan điểm của quỹ ngoại, mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật. Tuy vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng.
Dragon Capital đã đưa ra dự báo tăng trưởng EPS các doanh nghiệp năm 2022 ở mức 25%, cao hơn nhiều con số trung bình hàng năm là 12,5% kể từ 2010. Cũng theo Dragon Capital, các hành động của Chính phủ thời gian gần đây sẽ góp phần hướng dòng tiền ra khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ và chuyển sang nhóm cổ phiếu chất lượng, có cơ bản tốt, lợi nhuận cao và ít rủi ro pháp lý.
https://cafef.vn/cung-dung-tai-vung-diem-1200-von-hoa-san-hose-da-tang-them-hon-17-trieu-ty-dong-sau-4-nam-20220517134426321.chn