Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ đi về đâu? Chuyên gia Bank of America giải thích bốn hướng đi tiềm năng

Tương lai cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đi về đâu?

Nhu cầu tăng vọt và tình trạng thiếu cung liên tục trên thị trường năng lượng toàn cầu đã khiến thị trường dầu khí rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có, châu Âu, Ấn Độ và nhiều nước không đủ cung cấp điện cho người dân và các ngành công nghiệp, điều này đã cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thị trường đang lo lắng về việc cuối cùng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ đi đến đâu.

Giá dầu đã tăng hơn 60% trong năm nay và giá dầu thô WTI của Mỹ đạt mức cao nhất trong 7 năm vào thứ Sáu tuần trước. Ở những nơi khác, tình hình còn cực đoan hơn: tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đang ở mức cao kỷ lục và giá bán buôn giao ngay đã tăng gấp ba trong năm nay; tại Trung Quốc, giá than nhiệt cũng ở mức cao trong lịch sử và đã tăng gấp ba trong năm nay.

Theo ông Francisco Blanch, người đứng đầu lĩnh vực hàng hóa toàn cầu, công cụ phái sinh và chiến lược đầu tư tài sản chéo tại ngân hàng Bank of America, tin rằng vào đầu năm tới, thị trường năng lượng có thể đi theo 4 con đường chính.

Giá năng lượng tăng cao sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế

Biển báo hết nhiên liệu ở một trạm xăng ở Anh. Ảnh: AFP

Ông Francisco so sánh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay với sự gia tăng giá dầu từ năm 2007 đến năm 2008.

Đầu năm 2007, giá dầu Brent chỉ ở mức 50 USD / thùng thì đến cuối năm đã tăng gần gấp đôi lên 95,98 USD / thùng. Vào tháng 7/2008, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là gần 150 USD / thùng. Nhưng dưới tác động của cuộc Đại suy thoái, giá dầu đã giảm mạnh.

Francisco nói rằng nếu một đợt tăng giá dầu tương tự xảy ra lần nữa, các công ty công nghiệp lớn có thể giảm đáng kể hoạt động sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Trên thực tế, giá năng lượng tăng vọt hiện nay đã buộc một số công ty, đặc biệt là các công ty ở châu Âu và châu Á, phải ngừng sản xuất.

Sản xuất nhiều hơn hoặc các lựa chọn thay thế

Francisco nói rằng bất kỳ sự gia tăng nào về giá cả hàng hóa sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất tăng sản lượng hoặc tìm các lựa chọn thay thế hợp lý hơn.

Cho đến nay, các công ty dầu đá phiến của Mỹ cho biết họ có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào sản xuất trong nước trong năm tới. Nhưng dường như họ vẫn chưa sẵn sàng giải phóng một lượng lớn dầu vì đầu tư vẫn còn hạn chế.

Đồng thời, khi giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng cao kỷ lục, một số công ty bắt đầu chuyển sang dầu mỏ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điều này có thể làm tăng nhu cầu dầu thô hàng ngày trên toàn cầu lên khoảng 500.000 thùng.

Mùa đông ấm áp sẽ làm dịu cơn khủng hoảng

Người dân châu Âu đang mong chờ một mùa đông ấm áp.

Khi mùa đông đang dần đến, giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng, và nhu cầu về khí đốt tự nhiên và than để sưởi ấm sẽ tăng lên đáng kể. Người mua trên khắp thế giới đang tranh giành nguồn cung có hạn và giá năng lượng vẫn ở mức cao. IEA đã cảnh báo người Mỹ vào ngày 13/10 về các hóa đơn cao đột biến trong mùa đông.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đón nhận một mùa đông ấm hơn dự kiến? Khi đó, nhu cầu năng lượng sẽ tự nhiên giảm xuống, và theo Francisco, vấn đề năng lượng sẽ tạm thời được giải quyết.

Tăng lãi suất làm chậm tổng cầu

Theo ông Francisco, với lạm phát cao, các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các biện pháp để hạ nhiệt lạm phát. Ngân hàng sẽ tăng lãi suất, làm hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế nói chung và nhu cầu năng lượng.

Các quan chức Fed đã ám chỉ rằng khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi và lạm phát vẫn ở mức cao, họ sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới.

“Hãy nhớ rằng, bạn có thể in đô la Mỹ, euro hoặc peso Philippine, nhưng bạn không thể in hàng hóa số lượng lớn”, Francisco nói.

Exit mobile version