Việc Sri Lanka sắp vỡ nợ 12,6 tỷ USD trái phiếu nước ngoài đã phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm cho các nhà đầu tư ở các quốc gia đang phát triển. Lạm phát gia tăng sẽ là đòn đau đánh vào các quốc gia này.
Thời gian ân hạn cho khoản nợ trái phiếu trị giá 78 triệu USD của Sri Lanka sẽ kết thúc vào ngày 18/5, đánh dấu cuộc vỡ nợ quốc gia đầy tiên kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948. Ngày 16/5, các trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn năm 2029 của Sri Lanka đã giảm 1,2% xuống còn 38,7 xu so với đồng đô la Mỹ, sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại là 37 xu vào tuần trước.
Cuối tháng trước, chính phủ Sri Lanka tuyên bố dừng trả nợ nước ngoài để bảo toàn lượng tiền mặt cho việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Khác với các cuộc vỡ nợ quốc gia trên thế giới, tình hình tồi tệ hiện nay ở Sri Lanka liên quan đến một chính phủ gia đình toàn quyền điều hành không được lòng dân, hậu quả chưa giải quyết dứt điểm sau 30 năm nội chiến và các cuộc biểu tình bạo lực.
Câu chuyện của quốc đảo này dường như là một sự kiện cho thấy sự hiện diện có thể có của một xu hướng đối với các thị trường mới nổi nơi lạm phát lên ngôi, giá lương thực tăng vọt.
Ông Guido Chamorro, chuyên gia về nợ thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management nhận xét, “Vỡ nợ của Sri Lanka là một tín hiệu đáng quan ngại đối với thị trường mới nổi. Tăng trưởng chậm lại và điều kiện khó khăn sẽ tăng cường rủi rui vỡ nợ, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng.”
Câu chuyện vỡ nợ tại Sri Lanka
Sri Lanka, với khoảng 22 triệu cư dân, là một quốc đảo nhiệt đới ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía đông nam Ấn Độ khoảng 64 km. Quốc đảo này thời gian gần đây chật vật đối phó với lạm phát trên 30%, đồng nội tệ mất giá và khủng hoảng kinh tế khiến Sri Lanka không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Các khoản vay nợ nước ngoài quá mức để hỗ trợ doanh nghiệp quốc doanh và khoản phúc lợi xã hội hào phóng đã khiến cơn tức giận của người dân biến thành các cuộc biểu tình bạo lực. Các cuộc biểu tình và đụng độ lan sang nhiều vùng khác nhau của đất nước. Nhà cửa của chính trị gia đã bị đốt phá, ít nhất 9 người đã thiệt mạng, bao gồm 1 thành viên Quốc hội.
Đất nước Sri Lanka hiện nay không có Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này khiến cuộc khủng hoảng càng thêm rối ren. Trái phiếu quốc gia của Sri Lanka nằm trong danh sách trái phiếu tồi tệ nhất trên thế giới trong năm nay cùng với trái phiếu của Ukraine, Belarus và Salvador. Chính phủ Sri Lanka đã không thể trả khoản nợ trái phiếu 78 triệu USD đáo hạn vào năm 2023 và 2028, dẫn đến việc tổ chức S&P Global Ratings tuyên bố quốc gia này đã vỡ nợ có chọn lọc.
Sau khi thời gian ân hạn đối với các khoản thanh toán trên kết thúc vào ngày 18/5, Sri Lanka sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán với chủ nợ. Đây là chìa khóa để quốc đảo này giành được viện trợ từ IMF. Trước đó, nước này cho biết họ cần từ 3 đến 4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi khủng hoảng.
Hiệu ứng domino sắp xảy ra?
Khi Sri Lanka đang vật lộn với tình trạng hỗn loạn, vấn đề của đất nước này cũng phát ra cảnh báo cho các thị trường mới nổi với gánh nặng nợ nần kết hợp với các vấn đề kinh tế và bất ổn xã hội. Thách thức càng trở nên khó khăn hơn khi Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.
Theo bà Trang Nguyen, giám đốc điều hành chiến lược thị trường mới nổi nhận định thị trường mới nổi đang buộc phải đối mặt với gánh nặng nợ nần khi các điều kiện tài chính thắt chặt. Tối thiểu 14 quốc gia đang phát triển trong danh sách theo dõi của Bloomberg có lợi suất nợ cao hơn 1.000 điểm cơ bản so với Kho bạc Mỹ.
Tình hình lạm phát lương thực và thực phẩm vốn đã bùng phát ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Hy Lạp, Peru và Tunisia chịu áp lực ngày càng lớn. Rủi ro này có nguy cơ biến thành một khoản nợ lớn hơn và một mối đe dọa khác đối với sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch. Pakistan, Ethiopia và Ghana rồi sẽ phải theo gót nếu mọi chuyện tiếp tục tồi tệ như hiện nay.