Cựu CEO hãng Audi nộp phạt hàng triệu USD vì bị kết tội lừa đảo

Cựu CEO hãng Audi nộp phạt hàng triệu USD vì bị kết tội lừa đảo

Ông Rupert Stadler, cựu CEO hãng Audi đã bị kết tội Lừa đảo, bị kết án tù treo và nộp phạt hàng triệu USD.

Rupert Stadler – Cựu CEO hãng Audi bị kết án 1 năm 9 tháng tù treo

Reuters đưa tin, mới đây, một tòa án tại Munich (Đức) đã kết án ông Rupert Stadler, cựu Chủ tịch và CEO hãng ô tô Audi 1 năm 9 tháng tù treo đối với tội danh lừa đảo, liên quan đến vụ bê bối kiểm tra khí thải năm 2015.

Vì điều này, ông Stadler đã trở thành cựu thành viên Hội đồng quản trị đầu tiên của Tập đoàn Volkswagen, công ty mẹ của Audi nhận án tù treo và nộp phạt. Số tiền cựu lãnh đạo Audi phải nộp phạt là 1,2 triệu USD. Chính phủ Đức cùng một số tổ chức từ thiện là địa chỉ chuyển đến của số tiền này.

Tháng 6/2018, ông Rupert Stadler bị bắt với cáo buộc đã biết về hành vi gian lận từ cuối năm 2015 nhưng vẫn đồng ý bán các dòng xe được lắp thiết bị gian lận ra thị trường.

Sếp Audi thời điểm bị bắt sở hữu khối tài sản trị giá hơn 120 triệu USD, đồng thời là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong “làng” ô tô.

Phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Audi diễn ra từ năm 2020. Ông Stadler thời gian đầu phủ nhận các cáo buộc của tòa án.

Ngoài ra, ông Wolfgang Hatz – cựu giám đốc mảng động cơ của Volkswagen cũng bị xét xử với bản án 2 năm tù treo, nộp phạt hơn 438.000 USD. Ông Hatz thừa nhận trước thẩm phán rằng mình chính là người giúp dàn xếp việc cài đặt phần mềm gian lận.

Cựu kỹ sư trưởng về động cơ Diesel – Giovanni Pamio là đồng phạm phải chịu mức án tù treo 1 năm 9 tháng và nộp phạt hơn 60.000 USD.

Thêm một nhân vật khác bị truy tố trong vụ việc là cựu CEO Winterkorn. Ông từng hầu tòa, tuy nhiên việc xét xử bị hoãn vô thời hạn vì sức khỏe yếu.

Bê bối tại Tập đoàn Tập đoàn Volkswagen

Năm 2015, Tập đoàn Volkswagen và Audi thừa nhận việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp với mục đích gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Volkswagen thông tin, gần 600.000 xe bán tải ở Mỹ đã được cài thiết bị để gian lận.

Thiết bị được thiết kế để chiếc xe ít gây ô nhiễm hơn trong các điều kiện được kiểm soát. Tuy nhiên trên thực tế, nó lại thải ra nhiều khí thải hơn mức cho phép khi sử dụng bình thường trên đường phố.

Sự việc vỡ lở khiến Volkswagen phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Martin Winterkor – CEO thời điểm đó sau vài tháng phải từ chức. Trong khi Volkswagen bị các nước điều tra, thu hồi hàng loạt sản phẩm cũng như vướng vào nhiều vụ kiện tụng khác nhau. Vụ bê bối này cho đến nay đã khiến gã khổng lồ xe hơi Đức thiệt hại khoảng 36 tỷ USD.

Exit mobile version