Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Thực phẩm Á Châu – đơn vị sản xuất mì ăn liền Gấu Đỏ khẩn trương báo cáo quy trình, công nghệ sản xuất vì phát hiện có mối nguy chất cấm Ethylene Oxide.
Nghi vấn Ethylene Oxide trong mì ăn liền Gấu Đỏ
Theo chia sẻ của Bộ Công Thương, ngày 15/12, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, Trung Quốc (TFDA) công bố lô hàng 500 CTN (945 kg) mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ của Nhà sản xuất/xuất khẩu Aia Foods Corporation do Doanh nghiệp Qian Yu Food Enterprise Co., LTD (Địa chỉ: 1 F., No. 44, Ln. 1, Xing’an Rd., 17th Neighborhood, Xinyuan Township, Pingtung County 93243, Taiwan) nhập khẩu phát hiện hàm lượng Ethylene Oxide không phù hợp với tiêu chuẩn trong quá trình kiểm tra tại cửa khẩu.
Lần này, hàm lượng Ethylene Oxide được phát hiện không chỉ trên gói gia vị (3,44 mg/kg) mà còn phát hiện thấy cả trong vắt mì (0,11 mg/kg).
Yêu cầu của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đề nghị phía công ty thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm, bao gồm tên sản phẩm, lô sản xuất, số lượng, hạn sử dụng, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm, thị trường xuất khẩu do Công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm nay; thông tin về quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.
Phía Bộ cũng yêu cầu đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Etylen oxit trong các sản phẩm mì ăn liền của công ty, kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.
Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thận trọng, thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn để tìm hiểu kỹ các quy định, biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường.
Việc này giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa về mặt thời gian, chi phí, nhất là trong hoàn cảnh sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị thu hồi, kiện đòi bồi thường vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu được Bộ Công Thương yêu cầu gửi báo cáo của công ty về Bộ trước ngày 25/11.
Bộ Công Thương hồi cuối tháng 10 đã có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn khi sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã đề nghị tổ công tác của Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với cơ quan có liên quan, đưa ra những quan ngại về sự khác biệt khi áp dụng quy định kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bộ này cũng đề nghị EU cung cấp số liệu thống kê, đồng thời đánh giá việc kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong mì ăn liền có xuất xứ từ Việt Nam tính từ tháng 2 cho đến nay; làm rõ cơ sở để áp dụng, duy trì, giảm thiểu biện pháp kiểm tra cũng như yêu cầu giấy chứng nhận dư lượng Ethylene Oxide, có kế hoạch từng bước dỡ bỏ các biện pháp này.