Có gì trong danh mục tự doanh quý 4/2021 của các công ty chứng khoán?

ViMoney: Có gì trong danh mục tự doanh quý 4/2021 của các công ty chứng khoán?

Năm 2021, tăng hơn 35%, chứng khoán Việt Nam đã lọt top 10 tăng mạnh nhất thế giới. Vậy công ty chứng khoán đã đầu tư như thế nào trong quý cuối cùng của năm thăng hoa vừa qua?

Hãy cùng ViMoney “soi” xem có gì trong danh mục tự doanh Quý 4 năm 2021 của các công ty chứng khoán xem chúng ta có cùng “tư tưởng lớn” với các nhà đầu tư chuyên nghiệp này không nhé!

Lợi nhuận tự doanh Quý IV/2021 tăng trưởng mạnh

Theo ước tính của Vietstock Finance, tổng lợi nhuận tự doanh quý 4/2021 của 73 Công ty chứng khoán đạt hơn 5,6 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận tự doanh của cả nhóm tăng gần 90% so với quý 3 và cao hơn 60% so với cùng kỳ nhờ vào thị trường chứng khoán thăng hoa trong năm vừa qua. Trong đó, top 10 công ty đứng đầu chiếm tỷ trọng hơn 70%,  tương đương gần 4 ngàn tỷ đồng lợi nhuận tự doanh.

ViMoney: Có gì trong danh mục tự doanh quý 4/2021 của các công ty chứng khoán?

Trong số Top 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận tự doanh cao nhất trong Quý IV/2021, hầu hết đều có lợi nhuận tự doanh tăng mạnh so với quý trước, đặc biệt một số công ty chứng khoán có mức tăng trưởng tính bằng lần như VNDirect (VND), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), Chứng khoán APEC (APS), Chứng khoán VietinBank (CTS), Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán Thiên Việt (TVS)…

Ở chiều ngược lại, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) không ghi nhận biến động nhiều ở mảng tự doanh khi Lợi nhuận chỉ tăng 1% so với Quý trước, trong khi lợi nhuận tự doanh của Chứng khoán Bản Việt (VCI)  giảm 10% về còn 260 tỷ đồng.

Đọc liên quan: Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán Quý III/2021

Có gì trong danh mục tự doanh Quý IV/2021?

1. Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND)

Xét tổng thể danh mục, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VNDirect. Đối với cổ phiếu niêm yết, VND tập trung vào các mã Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Techcombank (TCB), Đầu tư Nam Long (NLG), VPbank (VPB), Thế giới Di động (MWG). Trong đó, hiệu quả nhất là PTI, NLG và MWG.

2. Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (HNX: SHS)

SHS ghi nhận lợi nhuận lớn trong Quý IV/2021 với Techcombank (TCB), Tập đoàn GELEX (GEX), Chứng khoán SSI (SSI), Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) ở danh mục FVTPL và Ngân hàng Sài gòn Hà Nội (SHB) ở danh mục AFS.

3. Chứng khoán APEC (HNX: APS)

Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API), Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), Tập đoàn CEO (CEO) là những khoản đầu tư có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục cổ phiếu niêm yết của APS và đem lại hiệu quả cao khi tăng bằng lần trong Quý IV/2021. Công ty cũng đầu tư vào các công ty họ APEC khác như Apec Group và Apec Finance.

4. Chứng khoán SSI (HOSE: SSI)

SSI cũng tập trung vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi chiếm trong danh mục của mình. Đối với cổ phiếu, Thế giới Di Động (MWG), Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN), VPBank (VPB) và chứng chỉ quỹ FUESSV50 là các mã chiếm tỷ trọng lớn nhất.

5. Chứng khoán Techcombank (OTC: TCBS)

Danh mục TCBS chủ yếu tập trung vào trái phiếu – thế mạnh có tiếng của công ty.

6. Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI)

Đối với cổ phiếu niêm yết FVTPL, Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) và Tập đoàn Masan (MSN) chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục. Tuy nhiên trong khi KDH lãi lớn thì MSN lỗ gần 7%.

Trên danh mục AFS, công ty cũng đầu tư với tỷ trọng cao vào KDH. Các khoản đầu tư vào MWG, Sữa Quốc Tế (IDP) đều đang lãi lớn.

7. Chứng khoán VietinBank (HOSE: CTS)

Danh mục giúp tự doanh CTS lãi lớn bao gồm các cổ phiếu niêm yết như Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và cổ phiếu chưa niêm yết như Thaco. Đặc biệt, HDC tăng giá gần 11 lần so với giá gốc.

8. Chứng khoán Smart Invest (Upcom: AAS)

Trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh của Smart Invest với 470 tỷ đồng, gần 90%. Công ty thu về gần 37 tỷ đồng từ hoạt động bán trái phiếu chưa niêm yết trong Quý IV/2021

9. Chứng khoán Everest (HNX: EVS)

Ngoài 2 cổ phiếu ngân hàng là Ngân hàng Quốc dân (NVB) và Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục là công thần trong danh mục của EVS, khoản đầu tư vào Idico (IDC) của công ty cũng rất hiệu quả khi giá tăng gần gấp đôi.

10. Chứng khoán Thiên Việt (HOSE: TVS)

TVS phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào Novaland (NVL), Techcombank (TCB), Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS). Ngoài ra công ty còn nắm hơn 900 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.

Với khoản mục AFS, TVS đang đầu tư vào các doanh nghiệp fintech như MoMo, Finhay.

Nguồn: VietStock Finance

Exit mobile version