Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi công đoàn địa phương, công đoàn ngành về các giải pháp giữ chân người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trả lương tạm nghỉ việc giữ người lao động
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vừa qua, một bộ phận công nhân lao động rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tràn về quê để tránh dịch. Theo nhận định của Tổng Liên đoàn Lao động, tình trạng trên có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.
Ngoài ra, các đơn vị chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”. Có thể hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình. Thậm chí, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.
Nhắn tin hoặc viết thư mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường cũng như các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn lao động, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Các đơn vị chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Coi người lao động là tài sản doanh nghiệp
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian “rất khó khăn” đối với ngành dệt may khi phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
Để giữ chân và tuyển mới được người lao động, theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, doanh nghiệp cần thực sự quan tâm đến người lao động, quan tâm đến những người đang còn làm việc, những lao động đang nghỉ không lương, kêu gọi lao động trở lại làm việc để họ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp cần đặc biệt ưu tiên rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những lao động là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm an sinh cho họ.
“Trong đợt dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp dệt may thuộc hiệp hội vẫn trả một phần lương cho người lao động, đồng thời cung cấp gạo, mì tôm và nhu yếu phẩm cho họ. Khi dịch được kiểm soát, để khích lệ người lao động gắn bó với doanh nghiệp, nhiều Công ty đã ứng trước lương cho họ”, ông Giang nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao-MXP chia sẻ, dù những tháng vừa qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề xuất khẩu nhưng vẫn duy trì hỗ trợ cho người lao động.
“Chủ tịch HĐQT đã cam kết với người lao động phải giữ bằng được người lao động làm việc. Bởi, đối với nghề may, để đào tạo một người lao động lành nghề rất khó. Vì lẽ đó, chúng tôi luôn xác định, người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp. Thậm chí, chúng tôi còn xác định năm nay có hoà hoặc lỗ vốn thì vẫn phải giữ chân người lao động”, vị này nói.
Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, nhà máy tại Bình Dương hiện có nhu cầu tuyển mới khoảng 900 nhân viên. Để giữ chân và tuyển mới người lao động, nhà máy triển khai thuê địa điểm, thiết lập 3 khu ký túc xá và vùng đệm cho nhân viên lưu trú với sức chứa hàng trăm người.
Song song với đó, nhà máy thực hiện các giải pháp nghiên cứu kỹ thuật, nhằm tăng năng suất sản xuất, tăng sản lượng, giảm áp lực nhân công. Ngoài ra, nhà máy còn tiến hành tăng tốc độ các dây chuyền sản xuất từ 5% – 35% sản lượng các ngành hàng chủ lực. Đẩy mạnh đầu tư tự động hóa dây chuyển sản xuất. Các giải pháp kỹ thuật trên giúp giảm 10% số lượng nhân viên tuyển mới, đồng thời đáp ứng nhanh việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm.
Cát Anh (T/h)