Đầu tư chứng khoán: Style nào cho lứa tuổi 20s?

Với thế hệ tuổi 20-30, những bạn này đã đi làm và bắt đầu có tích lũy nên chứng khoán là một kênh đầu tư không thể bỏ qua. Tuy nhiên trong trường hợp vốn và kinh nghiệm còn ít thì chiến lược đầu tư như thế nào để tránh bị sập ổ gà, hay thậm chí ổ voi ?

Một số cạm bẫy

Con đường đến với đầu tư chứng khoán của lứa tuổi 20s hẳn là đa dạng. Có thể vì chủ động nhờ quan sát học hỏi từ người đi trước, có thể vì FOMO do chứng khoán tăng nóng giai đoạn vừa qua. Nhưng dù chủ động hay FOMO thì cạm bẫy với người mới tham gia thị trường chứng khoán là rất nhiều, nếu không cẩn thận thì bị thập diện mai phục là cái chắc.

Cạm bẫy đầu tiên là phí và thuế trong đầu tư chứng khoán.

Có những loại phí công khai nhưng cũng có những loại phí khiến nhà đầu tư mới không thể thấy được hoa vàng trên cỏ xanh. Phí công khai là mức phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty chứng khoán (oker) khi mua và bán, cần nhớ là cả lúc mua và bán đều phải trả phí. Tùy oker, gói dịch vụ, giá trị giao dịch mà tỷ lệ phí có thể từ 0,1%-0,35% giá trị giao dịch. Bên cạnh đó là các loại phí khác liên quan đến các hoạt động duy trì, hay các giao dịch khác của tài khoản.

Lấy ví dụ như ở mức phí 0,15%. Nếu một nhà đầu tư với số vốn ban đầu 100tr đồng, mua đi bán lại với tần suất 4 lần/tháng thì với 48 lần giao dịch hết hạn mức của tài khoản, thì tổng phí là 48*0,15%*100tr = 7,2tr, tức 7,2% mức vốn bỏ ra. Như vậy, lợi nhuận đầu tư phải cao hơn mức này nhiều để bù lại phí giao dịch, thuế, và các khoản phí khác. Nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy (margin) thì chi phí còn cao nữa, nếu x2 thì phí có thể lên đến 14%/năm. Mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không dễ có mức sinh lời ổn định ở mức này.

Một loại chi phí ẩn cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng (bottom line) của nhà đầu tư là spread, tức chênh lệch giá mua giá bán. Ví dụ giá thị trường của một cổ phiếu là 100k, giá mua (bid) là 100,5k và giá bán (ask) là 99,5k thì spread sẽ là 1%. Còn nếu giá bid là 100,1k và giá ask là 99,9k thì spread sẽ là 0,2%. Độ lớn của spread không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng của nhà đầu tư mà còn là dấu hiệu cho thấy tính thanh khoản của chứng khoán, càng lớn thì tính thanh khoản càng thấp.

Cạm bẫy thứ hai là sử dụng đòn bẩy (leverage) đầu tư khi chưa nhiều kinh nghiệm.

Nhiều nhà đầu tư khi mới tham gia thị trường, không biết lý do gì mà lại hay thắng trong thời gian đầu, cứ như truyền thuyết cờ bạc đãi tay mới. Lúc đầu thì bỏ một ít vốn ra để thăm dò, thấy thắng thì tâm lý trở nên chủ quan, nghĩ mình là rất giỏi, mà không biết được rằng có thể là do may mắn, đúng vào lúc chu kỳ thị trường đang lên. Tâm lý quá tự tin khiến không ít nhà đầu tư mới dốc hết (all-in) vào chứng khoán, hơn nữa là vay qua margin để đầu tư.

Nhưng dùng margin là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp tăng tỷ suất sinh lợi nhưng cũng có thể làm cho khoản thua lỗ nhanh và nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn trường hợp dùng margin x2, nếu lỗ 10% thì lỗ thực sự sẽ hơn 20% vì còn phải trả lãi vay. Có điều, nguy hiểm là ở chỗ khi đã dùng margin thì số vốn đầu tư đã tăng lên nhiều. Thường thì khi thăm dò, nhà đầu tư bỏ một số tiền nhỏ, như 10tr chẳng hạn, thấy lời được 10% trong vài ngày là quá sướng. Đến khi bỏ 100tr vào, dùng thêm margin x2, thì dù thị trường điều chỉnh 5% thì số lỗ lên đến 10tr đồng, xóa sạch khoản lời trước đó, là nếu so với số vốn ban đầu thì lỗ 100%.

Cạm bẫy thứ ba là không cắt lỗ (cut loss) kịp thời.

Trong tài chính, khi tính tỷ suất lời/lỗ của các khoản đầu tư liên tục thì phải dùng cách tính trung bình nhân (geometric). Ví dụ lỗ 50%, rồi lời 50% thì vẫn còn lỗ 25% chứ không phải huề vốn. Giả sử có 100tr đầu tư, lỗ trước lời sau thì số vốn sẽ là 100tr*0,5*1,5= 75tr. Các bạn có thể dễ dàng tìm được trên Internet bảng tính toán cần lời bao nhiêu để bù lỗ. Ví dụ như lỗ 10% thì cần lời 11,11%, lỗ 20% thì cần lời 25%, lỗ 50% thì cần lời 100% mới bù lại được.

Cạm bẫy thứ tư là đầu tư vào các sản phẩm phức tạp

Các sản phẩm tài chính phức tạp như phái sinh (derivatives), các sản phẩm nhiều rủi ro như CFD, rồi đầu tư trên các sàn chưa được cấp phép hợp pháp tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp trên các chứng khoán cơ sở thông qua các công ty chứng khoán đã có nhiều rủi ro thì đầu tư trên các sàn online, với các sản phẩm phức tạp, có đòn bẩy cao thì rủi ro còn được khuếch đại lên dường nào.

Những chuẩn bị cần thiết

Đầu tư chứng khoán thì việc cần trang bị đầu tiên là kiến thức.

Đầu tư cũng như bất kỳ công việc nào khác, cần có sự chuẩn bị. Các kiến thức nền tảng liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Vì giá trị nội tại (intrinsic value) của một cổ phiếu nào đó là giá trị chiết khấu về thời điểm hiện tại của các dòng tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, cần hiểu và phân biệt giữa giá trị sổ sách (book value of equity), giá trị nội tại, và giá trị trường (market value hay là pricing). Ngay cả nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn không phân biệt được giữa định giá (valuation) và trả giá (pricing) cho một cổ phiếu nào đó.Nhưng kiến thức về tài chính doanh nghiệp không thôi cũng chưa đủ. Hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào khả năng của lãnh đạo trong hiện tại và tương lai, tức là vấn đề quản trị doanh nghiệp (governance). Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần có kiến thức vĩ mô về ngành, về chu kỳ kinh tế, về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn cũng như chính sách tài khóa của các chính phủ này. Lấy ví dụ như trong nền kinh tế, có các ngành như tài chính, năng lượng, bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghệ v.v.. thì mỗi giai đoạn ngành nào sẽ thịnh ngành nào sẽ suy ? Khi có các thay đổi lớn trong chính sách, ví dụ như ở Mỹ đảng Dân Chủ lên thay đảng Cộng Hòa thì ngành nào sẽ được hưởng lợi ?

Chuẩn bị thứ hai trong đầu tư là tâm lý

Thị trường chứng khoán là nơi không thể dự đoán được mặc dù rất nhiều người đã cố gắng. Về dài hạn, các thị trường đều tăng theo quy mô của nền kinh tế nhưng luôn có những lúc điều chỉnh (correction) hay khủng hoảng (crash). Trong số này, các đợt điều chỉnh là xảy ra thường xuyên và rất khó đoán trước.

Hai dấu hiệu tâm lý quan trọng trên thị trường chứng khoán là tham lam (greed) và sợ hãi (fear). Quá tham lam sẽ dễ rơi vào tình trạng đu đỉnh, còn quá sợ hãi sẽ rơi vào tình trạng bán tống bán tháo, bán theo giá trị trường khi thị trường sụt giảm mạnh. Do đó, một điều mà nhiều nhà đầu tư có nghiệm khác với nhà đầu tư mới là ở chỗ tâm lý ổn định, không nao núng khi thị trường điều chỉnh mạnh, hay bốc đồng khi thị trường tăng nóng.

Chuẩn bị thứ ba là các phương pháp đầu tư.

Trong đầu tư có thể chia thành hai trường phái là mua bán (trade) và mua giữ (buy & hold). Dù theo trường phái nào thì cũng phải nắm được các nguyên tắc và cách đa dạng hóa danh mục và quản trị rủi ro danh mục. Chẳng hạn đối với lớp tài sản có mức độ rủi ro cao tức độ biến động của giá lớn, thì chỉ nên chiếm một tỷ trọng nhỏ trong danh mục. Ví dụ như cryptocurrencies chỉ nên chiếm tối đa 10% tổng tài sản chẳng hạn.

Thực hành và thói quen

Trong đầu tư, thường có một câu nói “knowing is not doing”, nghĩa là học phải đi đôi với hành, hành nhiều hơn học để không rơi vào tình trạng học gạo. Là bởi vì tâm lý sẽ khác nhau rất nhiều khi đâu tư mô phỏng (simulation) với đầu tư thực tế. Mở một tài khoản ảo, thua lỗ 30-50% thì tâm lý không thể nào giống như bỏ ra 100tr để đầu tư. Rồi lỗ 20% trên danh mục 100tr sẽ khác rất nhiều với lỗ 20% trên danh mục 1tỷ đồng. Khi tâm lý khác nhau thì hành động cũng sẽ khác nhau, và trong hầu hết các trường hợp, khi không bình tĩnh thì quyết định thường là sai.

Đối với những bạn trong lứa tuổi 20s, giai đoạn này thì đầu tư cho nghề nghiệp là quan trọng nhất, vì đó là nguồn lợi nhuận chắc chắn và có khả năng tăng gấp nhiều lần trong tương lai. Đầu tư cho chuyên môn của mình, phát triển mạng lưới nghề nghiệp, thăng tiến trong công việc là cách đầu tư hiệu quả nhất. Khi có khoản tích lũy, lúc này mới tính đến chuyện đầu tư chứng khoán. Trước khi bắt đầu, cần có những chuẩn bị như đã đề cập ở trên, và lưu ý các cạm bẫy.

Đầu tư là một chặng đường dài, không dễ để có con đường giàu nhanh trong đầu tư. Khi bắt đầu ở tuổi 20s, hãy nghĩ rằng mình có 20, 30 năm để thực hiện kế hoạch tài chính của mình. Điều khó nhất trong đầu tư là tính kỷ luật, sự kiên trì, và tâm lý vững. Nhưng bất kì ai tuân thủ được, thì đều thành công.

Chàng-Ngốc-Già

Blog:Changngocgia

Link nguồn

Exit mobile version