Đầu tư túi xách hàng hiệu: Lợi nhuận tính bằng lần, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đầu tư túi xách hàng hiệu: Lợi nhuận tính bằng lần, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đầu tư túi xách hàng hiệu đang được nhiều người “để ý”. Chuyên gia nói gì về xu hướng đầu tư này?

Xu hướng đầu tư túi xách hàng hiệu

Trên thế giới, việc đầu tư túi xách hàng hiệu không phải là cái gì đó quá mới mẻ. Hình thức đầu tư này cũng được nhiều người có tiền ở Việt Nam ưa chuộng, đặc biệt là sao Việt. Trong đó có thể kể đến diễn viên Ngọc Thanh Tâm.

Cô cho biết, cô mua nhiều chiếc túi chỉ vì thích. Tuy nhiên, sau một thời gian nó đã trở thành tài sản sinh lợi nhuận và tăng giá đáng kể trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Ví dụ như chiếc Birkin Himalaya của Hermes, cô mua với giá 160.000 USD (khoảng 3,68 tỷ đồng) nhưng 1 năm sau nó đã tăng thêm 70.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng).

Chiếc B25 Birkin Beton Croc của Hermes được Ngọc Thanh Tâm mua với giá 115.000 USD (khoảng 2,645 tỷ đồng) nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nó đã tăng lên 125.000 USD (khoảng 2,875 tỷ đồng). Trước đây, Ngọc Thanh Tâm mua chiếc Sakura B25 với giá 16.000 USD (368 triệu đồng), tuy nhiên năm nay, giá của nó trên thị trường là 33.000 USD (khoảng 759 triệu đồng). Theo nữ diễn viên chia sẻ, mức lợi nhuận từ đầu tư túi xách hàng hiệu hấp dẫn không kém đầu tư vàng, đất.

Thanh khoản kém, nhà đầu tư phải có… gu

Khi các nhãn hàng xa xỉ hàng đầu tăng giá, thắt chặt phân phối dẫn đến tình trạng mua đi bán lại túi xa xỉ giữa các khách hàng. Trong thời kỳ đại dịch, vấn đề chuỗi cung ứng khiến cho khả năng tiếp cận đến hàng hiệu giảm đi. Theo nhiều báo cáo, khả năng chi tiền đi ăn nhà hàng (hoặc đi nghỉ) trong thời kỳ đại dịch ít được để ý, thay vào đó là tập trung vào hàng hóa. Do vậy, nhu cầu đối với hàng xa xỉ được thúc đẩy, đặc biệt ở khía cạnh bán lại.

Nói về hoạt động đầu tư túi xách hàng hiệu, chuyên gia cho rằng, với loại hình đầu tư này, người mua vừa có thể sử dụng làm phụ kiện, trang sức thời trang, vừa có thể kiếm lãi từ hoạt động mua bán về sau. Tuy nhiên, tính phổ biến của loại hình này khá thấp, không phù hợp với đa số người dùng hay nhà đầu tư truyền thống. Để tránh yếu tố rủi ro, nhà đầu tư cần am hiểu về cách phân biệt hàng thật – giả; đồng thời  xác định được giá trị món hàng chính xác, tránh tình trạng mua “hớ”.

Việc đầu tư túi hiệu hay đồng hồ, đồ cổ, tranh ảnh đang trở thành trào lưu khá thịnh hành. Nhưng khi đầu tư, cần lưu ý một số vấn đề sau.

Túi B25 Gold của Hermes do Ngọc Thanh Tâm sở hữu tăng giá khá mạnh trên thị trường.

Săn những mặt hàng khan hiếm, độc lạ, thể hiện đẳng cấp của người chơi: Đây là yếu tố tiên quyết, quyết định sự gia tăng giá trị của món hàng trong tương lai. Thông thường, các món hàng này phải được sản xuất ở số lượng ít. Các mẫu túi xách của Chanel hay Hermes là một ví dụ. Mỗi chiếc túi thường có mức giá rất cao, chứng tỏ được vị thế, đẳng cấp của người sở hữu.

Thông thường, các loại túi này có giá vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Thậm chí, mẫu túi Hermes Kelly hay Hermes Birkin còn có giá lên đến hàng trăm nghìn USD. Đáng nói, không đơn giản để sở hữu những chiếc túi này. Giá khi mua ở Việt Nam sẽ cao hơn khá nhiều, từ 2-30% so với các thị trường khác, tùy mẫu. Nếu ra nước ngoài chỉ để sắm những chiếc túi xách hàng hiệu, có thể chi phí chuyến đi sẽ “ngốn” sạch lợi nhuận đầu tư nếu có lợi nhuận.

Trường hợp mua hàng cũ, để chọn được một chiếc túi hàng thật (authentic) cũng không đơn giản, nhất là với những ai làm nội trợ hoặc những công việc ít “va chạm” với đồ hiệu. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể phân biệ hàng thật và giả bằng dịch vụ kiểm tra entrupy – quét cấu trúc chất liệu bằng camera siêu nét nhưng cũng mất thêm chi phí. Chưa kể, để tìm nguồn đầu vào để mua không hề đơn giản.

Thực tế, đầu tư túi hiệu không phải lúc nào cũng mang về lợi nhuận. Vẫn có số ít dòng sản phẩm của thương hiệu Dior, Gucci hay Louis Vuitton không thay đổi về giá. Thậm chí, thời gian, các sản phẩm của  YSL có khá nhiều mẫu giảm giá trên thị trường thứ cấp. Chưa kể, thường các mẫu túi nằm trong bộ sưu tập theo mùa sẽ khó bán lại.

Việc đầu tư vào túi xách hàng hiệu cũng đòi hỏi phải có sự trải nghiệm trong sử dụng, cùng với đó học hỏi  kinh nghiệm từ việc mua bán sản phẩm này. Chưa kể, loại hình đầu tư này thanh khoản kém nên nếu không mua đúng mẫu “hot”, theo xu hướng, được nhiều người săn đón thì việc mua – bán là cả vấn đề.

Do vậy, nếu yêu thích lĩnh vực đầu tư hàng hiệu, các bạn hoàn toàn có thể tham khảo các loại hình đầu tư khác như đồng hồ hoặc tranh. Đa phần phẩm vật sẽ không bị mai một, xuống cấp theo thời gian.

Hãng đồng hồ Rolex, từ sau đợt dịch, các mẫu tăng giá khá nhiều do nguồn hàng khan hiếm. Có thời điểm, dòng GMT Master hoặc Daytona giá tăng gấp đôi trong năm 2021. Như vậy, nếu chọn đúng mẫu, đúng thời điểm, nhà đầu tư vừa có trang sức, vừa được lợi nhuận.

Hay như giá tăng mạnh ở các mẫu Patek Philippe như 5205R hoặc dòng Nautilus. Nhưng việc sở hữu các mẫu này khó, ngay cả khi có sẵn tiền tỷ. Bởi, số lượng sản xuất chúng trên toàn cầu rất ít, chỉ vài chục đến vài trăm chiếc mỗi năm. Hãng sản xuất tổng số lượng mỗi năm chỉ quanh 60.000.

Trong khi đối với tranh ảnh hoặc đồ cổ, nếu chọn đúng món “hời” có thể giúp nhà đầu tư thu lãi tính bằng lần. Tất nhiên, bạn phải có gu thẩm mỹ để chọn được “hàng tuyển”, trong khi xác suất thành công khá thấp.

Mặc dù lợi nhuận khá hấp dẫn nhưng đầu tư túi xách hàng hiệu nói riêng và đồ xa xỉ nói chung vẫn là một phạm trù khó trong đầu tư. Vì thế, cần phải có kiến thức trước khi quyết định đầu tư vào loại hình này hay không.

Exit mobile version