Đề xuất áp thuế 20% trên lãi từ chứng khoán: Cách tính mới, nhà đầu tư cần lưu ý

Đề xuất áp thuế 20% trên lãi từ chứng khoán: Cách tính mới, nhà đầu tư cần lưu ý

Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án thu thuế mới đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân cư trú, với mức thuế suất 20% tính theo thu nhập ròng trong năm thay cho cách thu theo giá trị giao dịch từng lần như hiện nay.

Phương án tính thuế mới: Tập trung vào lãi ròng

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán, tính theo kỳ thuế hàng năm. Cụ thể, thu nhập tính thuế sẽ là phần chênh lệch giữa giá bán – giá mua – chi phí hợp lý phát sinh.

Với trường hợp không thể xác định được giá vốn và chi phí, cá nhân vẫn sẽ nộp thuế theo cách tính hiện hành – 0,1% trên giá bán mỗi lần giao dịch.

Tương tự chứng khoán, thu nhập từ chuyển nhượng vốn cũng được đề xuất tính thuế 20% trên thu nhập tính thuế, tuy nhiên sẽ tính theo từng giao dịch. Nếu không xác định được chi phí và giá vốn, mức thuế sẽ là 2% trên giá bán mỗi lần.

Theo Luật hiện hành (sửa đổi năm 2014), cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải nộp thuế 0,1% trên giá bán mỗi lần, không xét đến lãi hay lỗ. Điều này gây tranh cãi khi người đầu tư bị lỗ vẫn phải nộp thuế.

Phương án mới hướng tới đánh thuế trên phần lãi thực tế, được đánh giá là phù hợp hơn với nguyên tắc công bằng trong thuế thu nhập.

Các nước trên thế giới tính thuế chứng khoán ra sao?

Bộ Tài chính cho biết, nhiều nước đã triển khai thuế thu nhập trên lãi chứng khoán, nhưng cách tính khác nhau. Nhật Bản: thuế suất cố định 20,3% trên lợi nhuận từ cổ phiếu, trái phiếu; Trung Quốc: 20% với chứng khoán không niêm yết.

Hay Philippines, thuế ở mức 0,6% trên giá trị giao dịch; Indonesia: Khấu trừ 0,1% tại nguồn với cổ phiếu niêm yết; Thái Lan: đánh thuế thu nhập từ vốn như các thu nhập thông thường.

Việc thay đổi cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán – từ đánh trên doanh thu sang đánh trên lợi nhuận – nếu được thông qua, có thể góp phần tạo sự minh bạch, công bằng và khuyến khích đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về ghi chép giao dịch và minh bạch chi phí của nhà đầu tư cá nhân.

Mộc Miên (Tổng hợp)

Exit mobile version