Theo đề xuất của Bộ Tài chính, xăng dầu có thể sẽ được giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1000 đồng/lít.
Xăng, dầu, mỡ nhờn được đề xuất giảm thuế BVMT
Theo dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) vừa được Bộ Tài chính công bố. Bộ này đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường cho nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức từ 500 đồng đến 1.000 đồng so với giá kịch khung đang áp dụng. Dự kiến, chính sách này có hiệu lực hết năm nay.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, mỗi lít với xăng (trừ etanol) sẽ được giảm 1.000 đồng, còn 3.000 đồng. Dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đòng/lít, còn 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng còn 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg còn 1.500 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiên liệu bay không được giảm mà giữ ở mức hiện hành. Trước đó, loại nhiên liệu này đã được giảm 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, sau khi được giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng (đã tính VAT) có thể được giảm tương ứng là 1.100 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diezel, dầu nhờn, dầu mazut, dầu hoả giảm khoảng 550 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 550 đồng/kg.
Bởi dự án Nghị quyết này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nên các ý kiến góp ý sẽ gửi về Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) vào trước 4/3.
Tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường
Có thể thấy, hầu hết nguyên nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất là xăng dầu. Tuy nhiên, mặt hàng này đang phải cõng rất nhiều những loại phí. Theo ước tính, mỗi lít xăng bình quân gánh khoảng 42-43% tiền thuế – phí; còn dầu là 21-27%. Đồng nghĩa với việc, mua 100 đồng tiền xăng, khách hàng phải gánh 42-43 đồng tiền tiền thuế, phí; với dầu, con số này là 21-27 đồng.
Vì thế, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mang ý nghĩa rất lớn với người dân và doanh nghiệp. Nó giúp làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá sản phẩm, giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính cho biết, nếu năm 2022, kịch bản tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn tương đương với 2019 thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường khiến ngân sách giảm thu 14.524 tỷ đồng. Nếu tính cả VAT thì ngân sách sẽ giảm thu khoảng 15.976 tỷ/năm.
Mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu tháng 4/2022 thì ngân sách (Đã tính VAT) sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng, giảm giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng trong nước, làm thay đổi chỉ số CPI. Nếu tính từ ¼, trong điều kiện giá xăng dầu ổn định, việc giảm thuế môi trường có thể giúp giảm khoảng 0,67% CPI bình quân năm 2022.
Tuy nhiên, do việc giảm thuế là số tuyệt đối, chỉ số tiêu dùng là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.