Đề xuất miễn giảm lãi cho chủ thẻ tín dụng bị giảm thu nhập vì Covid-19

Đề xuất miễn giảm lãi cho chủ thẻ tín dụng

Đề xuất miễn giảm lãi cho chủ thẻ tín dụng

Với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng bị giảm thu nhập do dịch Covid-19, NHNN đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức phát hành thẻ miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Điều kiện chủ thẻ tín dụng được miễn giảm lãi

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến thì đây là một trong những điểm mới đáng chú ý.

Cơ quan này đề xuất bổ sung quy định về việc miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nhiều người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi đến hạn thanh toán của khách hàng bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hoặc các sự kiện bất khả kháng (bao gồm các khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19).

Cụ thể, dự thảo mới bổ sung quy định tổ chức phát hành thẻ được phép miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng của các khách hàng bị giảm doanh thu, thu nhập dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn.

Điều kiện để được hưởng là các khách hàng phải nằm trong các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản.

NHNN đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức phát hành thẻ miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng bị giảm thu nhập do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các tổ chức phát hành thẻ phải có trách nhiệm trong việc ban hành quy định nội bộ đánh giá, quyết định về chính sách giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng và thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Tổ chức phát hành thẻ phải ban hành quy định nội bộ về việc miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Trong các quy định nội bộ phải đáp ứng tiêu chí xác định số dư nợ của khách hàng thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Cá nhân, bộ phận thực hiện, quyết định miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho chủ thẻ tín dụng không được là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng. Trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.

Việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cũng phải được các tổ chức phát hành thẻ thường xuyên đánh giá.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định phạm vi sử dụng của các thẻ phát hành bằng phương thức điện tử để tạo điều kiện cho khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng bằng phương thức điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nếu khách hàng có nhu cầu phát hành thẻ bằng phương thức điện tử để sử dụng thanh toán quốc tế với hạn mức giao dịch trên 100 triệu/tháng, các tổ chức phát hành có thể thực hiện thêm các biện pháp xác thực thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân, hoặc gặp mặt trực tiếp chủ thẻ chính.

Một số ngân hàng đã triển khai

Trên thực tế, một số ngân hàng đã xem xét triển khai giảm lãi suất, không thu phí quá hạn trong các kỳ sao kê đối với chủ thẻ trong thời điểm giãn cách xã hội căng thẳng do dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.

Như Agribank, để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngân hàng này đã áp dụng việc giảm lãi suất từ kỳ sao kê tháng 8 với mức giảm còn 11,7%/năm.

Ngoài ra, chính sách không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong 3 kỳ sao kê của tháng 7-9 cũng được NamABank cũng đang áp dụng với các khách hàng gặp khó khăn về tài chính hay sự cố bất ngờ không thể thanh toán đúng hạn.

Trước khi có Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung cho Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng cần phải mở rộng đối tượng, các khoản nợ được cơ cấu lại, kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, theo ông không nên giới hạn số lần cơ cấu lại mà nên giao cho tổ chức tín dụng chủ động thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Ngoài ra, ông cho rằng cần gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ vì dịch bệnh còn phức tạp (Thông tư 03 quy định tối đa là 12 tháng và không quá 31/12/2021).

Ông Cấn nhấn mạnh, cần cho phép mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại, bao gồm cả thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C (thư tín dụng), bao thanh toán… chứ không chỉ có nghiệp vụ cho vay vì dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng….

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị, thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cần được xem xét cơ cấu nợ, giảm lãi suất…

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version