Tổng liên đoàn Lao động được đề xuất cho xây nhà ở xã hội

Tổng liên đoàn Lao động được đề xuất cho xây nhà ở xã hội

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, thí điểm để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được phép xây nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.

Lý do đề xuất để Tổng liên đoàn Lao động được xây dựng nhà ở xã hội

Giữa tháng 2, Chính phủ tổ chức hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản. Phát triển nhà ở xã hội được cho là một trong những giải pháp gỡ khó. Để khuyến khích sản phẩm này, Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách, trong đó, tháo gỡ những điểm nghẽn trong Luật Nhà ở 2014 như quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, điều kiện ưu đãi.

Bộ Xây dựng đề xuất, về chủ đầu tư, cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở tại khu công nghiệp.

Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, Tổng liên đoàn Lao động chưa được phép đầu tư nhà xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Thế nhưng thực tế, đây là tổ chức có nguồn lực tài chính và từng thực hiện dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương.

Trong đó có thể kể đến, dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) với quy mô 4,04 ha, số lượng căn hộ là 976. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 300 căn hộ. Ngoài ra còn có dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho – Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) với quy mô 3,05 ha, 998 căn hộ, đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Theo số liệu của Tổng liên đoàn lao động, 2 năm trước, đơn vị này cũng từng kiến nghị với Chính phủ để được tham gia xây nhà ở xã hội. Cũng theo dữ liệu của Tổng liên đoàn lao động, có khoảng 1,2 triệu công nhân hiện đang có nhu cầu về nhà ở.

Bộ Xây dựng cũng đưa nhiều đề xuất liên quan đến chính sách đất đai, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Trong đó có thể kể đến một số đề xuất như giao đất không thu tiền sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội nhằm khắc phục thực tế nhiều chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn bị yêu cầu xác định số tiền xong mới làm thủ tục, khiến doanh nghiệp mất 1-2 năm cho loại quy định này.

Hiện tại, theo quy định thì chủ đầu tư được giao đất không phải đóng tiền sử dụng đất thì khi dự án hoàn thành không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng. Nói cách khác, họ không được bán nhà. Điều này sẽ hạn chế người có nhu cầu tiếp cận, sở hữu nhà ở xã hội. Theo đề xuất mới, chủ đầu tư sẽ có đầy đủ quyền như tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Bộ Xây dựng còn đề xuất chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội và đây là một điểm đáng chú ý.

Hiện nay, các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên sẽ phải dành một quỹ đất để xây nhà ở xã hội, tỷ lệ là 20%. Nhưng trên thực tế, quy định này cho thấy nhiều điểm bất hợp lý. Thể hiện ở chỗ, một số địa phương có quỹ đất dồi dào, giá rẻ nhưng người dân lại chưa có thói quen ở nhà chung cư hay nhu cầu về nhà ở xã hội. Do đó, phần quỹ đất 20% trở nên lãng phí.

Hay đối với những dự án nhà ở thương mại quy mô sử dụng đất nhỏ, dưới 2 ha thì phần đất 20% sẽ không đủ diện tích tối thiểu để xây một khối nhà xã hội đảm bảo tiêu chuẩn.

Bộ Xây dựng từ cuối năm ngoái đã đưa ra đề xuất này và cho rằng, nên để địa phương tự chủ động trong việc bố trí quỹ đất, căn cứ vào kế hoạch, điều kiện cụ thể.

Đề xuất một số ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng ngoài ra còn đề xuất thí điểm một số ưu đãi cho chủ đầu tư, có thể kể đến là:

Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, nếu phải chờ đến giữa năm sau để luật này có hiệu lực sẽ khiến cho hiệu quả của các giải pháp không cao.

Chính vì thế, Bộ đề nghị Chính phủ rút gọn trình tự, thủ tục nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến là 1/7/2024).

Exit mobile version