Đến lượt doanh nghiệp sản xuất nhôm kêu cứu vì Covid-19

Trong đợt dịch covid-19 lần thứ tư này, các doanh nghiệp nhôm đã vấp phải rất nhiều khó khăn do Covid-19.

Doanh nghiệp nhôm khó khăn đủ bề

Theo đánh giá của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, giá nhôm nguyên liệu liên tục tăng suốt hơn 1 năm qua, giá nhôm hiện nay cao hơn gấp đôi giá nhôm hồi tháng 4/2020 (mức giá thấp nhất năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh toàn cầu); và hiện đang cao hơn 50% so với mức giá trung bình nhiều năm trước.

Giá nguyên liệu và chi phí logicstic tăng cao khiến dòng nguyên liệu về Việt Nam bị gián đoạn, thường chậm từ 2 đến 3 tháng; vận tải hàng hóa trong nước cũng bị ngưng trệ do dịch bệnh gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh, kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất giảm sút, lưu thông ngưng trệ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.Từ tháng 5 đến nay, sản lượng trung bình các nhà máy nhôm duy trì khoảng 40% công suất; ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, các tỉnh phía Nam khi dịch bùng phát mạnh, sản lượng các nhà máy chỉ còn khoảng 1/3 công suất.

Giá vật liệu tăng cao và tình hình dịch bệnh kéo dài khiến cho nhu cầu nhôm xây dựng giảm mạnh, sức tiêu thụ trong nước rất chậm, các thị trường lớn bị đóng băng suốt 3 tháng qua.

Việc lưu thông hàng hóa nội địa cũng trở nên vô cùng khó khăn ở các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… Ở một số tỉnh chưa có dịch lại áp dụng các biện pháp chống dịch không phù hợp với chỉ đạo chung của Thủ tướng gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Có lúc, có nơi Phôi Nhôm phục vụ sản xuất không được công nhận là hàng hóa thiết yếu nên không cho phép lưu thông.

Hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì nhưng giảm 20% so với năm trước, nguyên nhân là do chi phí logicstic tăng quá cao và gián đoạn sản xuất khiến cho doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Đến nay, ngành Nhôm có khoảng 15% nhà máy dừng hoạt động; 45% nhà máy áp dụng phương án “ba tại chỗ”; khoảng 20% doanh nghiệp áp dụng phương án sản xuất “1 cung đường 2 điểm đến” kết hợp giảm lao động để giãn cách đảm bảo an toàn sản xuất; còn lại có khoảng 20% doanh nghiệp ở các khu vực không bị giãn cách vẫn duy trì sản xuất nhưng phải cắt giảm lao động và sản lượng do nhu cầu thị trường sụt giảm.

Các biện pháp chống dịch kéo dài và quy định hạn chế đi lại đối với người lao động và chuyên gia của các địa phương đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, làm giảm công suất hoạt động và rất nhiều lao động mất việc làm. Nhiều nhà máy trong vùng dịch đã dừng hoạt động cả tháng nay nhưng vẫn phải “nuôi” và quản lý công nhân theo phương án “3 tại chỗ” theo quy định của địa phương, gây phát sinh chi phí và góp phần khiến cho doanh nghiệp thêm kiệt quệ.

Kiến nghị để “sống chung với dịch”

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong tình hình mới theo phương châm “sống chung với dịch”, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã gửi kiến nghị đến Chính phủ với nhiều nội dung.

Theo đó, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đề nghị ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 15, 16 phù hợp với quan điểm “sống chung với Covid-19” nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Thành lập các tổ y tế lưu động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung hoặc ngay tại các tổ chức/doanh nghiệp/nhà máy lớn để chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch.

Đề nghị tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận các các hồ sơ, văn bản scan, gửi online để được giải quyết các thủ tục phục vụ SXKD và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4; công khai đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận trên cổng thông tin.

Tiếp tục ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, người trong lĩnh vực vận chuyển, nhóm này chỉ xếp sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền. Nghiên cứu, triển khai mô hình chống dịch theo điểm, thực hiện phong tỏa tại điểm dân cư có F0, quy mô và mức độ phong tỏa theo số ca mắc mới, không thực hiện phong tỏa cách ly theo địa phương, vùng địa lý.

Về phòng, chống dich, cần trao quyền chủ động thiết lập mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp.

Ngành y tế hướng dẫn cho phép tổ chức/doanh nghiệp tự xét nghiệm tại chỗ, số mẫu cần thiết trên tổng số lao động của nhóm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp với sự tham gia của Tổ y tế lưu động. Khi có F0 trong tổ chức/doanh nghiệp, tổ y tế lưu động phối hợp để khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất đồng thời thông báo y tế địa phương.

Hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ và mở rộng đến các doanh nghiệp trong vùng có dịch bệnh phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và bị giảm doanh thu so với năm 2020.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành nhôm cũng cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất; cho phép cộng lãi xuất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng và gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn. Miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các loại thuế, phí; đặc biệt là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tất cả các doanh nghiệp trong vùng có dịch bệnh bị giảm doanh thu. Giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, nhà máy trong vùng có dịch bệnh và bị giảm doanh thu.

Văn phòng Chính phủ nhận được kiến nghị tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Exit mobile version