Dệt may, da giày – đôi bạn “cùng khó” vì COVID-19

Dệt may và da giày là 2 ngành chiếm tỷ trọng tương đối trong xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn nhất vì Covid-19.

Dệt may, da giày cùng “khan” lao động trầm trọng

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam- VITAS cho biết ngành dệt may, da giày là hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động công nghiệp. Da giày cũng sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động. Ngoài ra, còn có gần 1,5 triệu người kinh doanh thương mại và dịch vụ liên quan đến dệt may, da giày.

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài khiến 28 tỉnh thành phố phải thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 với mức độ và quy mô khác nhau đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm. “Riêng ngành dệt may lực lượng lao động tại khu vực này khoảng trên 1,2 triệu người chiếm gần 65% lao động toàn ngành.” Ông Cẩm nhấn mạnh.

Khảo sát nhanh do VITAS, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam LEFASO và nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện trong tháng 9/2021 cho thấy, gần 60% người lao động bị giảm thu nhập do bị giãn ca, làm việc không liên tục, 62% người lao động ngừng việc không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào và có tới 77% người lao động bị tác động tiêu cực đến tinh thần.

Trên 60% người lao động di cư tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khoẻ và cuộc sống cho bản thân, con cái. Bởi họ đã kiệt quệ về tâm lý, sức khoẻ và kinh tế trong thời gian giãn cách

Chi phí tăng cao, chậm giao hàng vì Covid-19

Ông Trương Văn Cẩm cho biết nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; “một cung đường – hai điểm đến”, “4 xanh”… nhưng với chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất rất lớn và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, nên chỉ là giải pháp tình thế cho một bộ phận doanh nghiệp và không thể kéo dài.

Khảo sát cho thấy trong thời gian dịch bệnh thực hiện việc sản xuất 3 tại chỗ, với mỗi người lao động doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày phải chi thêm trung bình 2,2 triệu đồng/tuần cho 3 khoản gồm phụ cấp, ăn ở và xét nghiệm. Như vậy, nếu duy trì sản xuất 3 tại chỗ cho 1.000 lao động, doanh nghiệp phải chi thêm 2,2 tỉ đồng/tuần để sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ áp lực từ gánh nặng chi phí gia tăng, hơn 48% các doanh nghiệp dệt may, da giày tham gia khảo sát nhanh nêu trên đã bị chậm giao hàng, nhiều doanh nghiệp bị đối tác phạt vì giao hàng trễ so với dự tính ban đầu.

Có đến 68,1% số doanh nghiệp cho biết họ bị nhãn hàng phạt do doanh nghiệp giao hàng chậm; 12,2% doanh nghiệp bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng; 21% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng chủ động hủy, nhưng không bắt doanh nghiệp đền bù; 13,1% nhãn hàng hủy đơn chưa ký.

Các doanh nghiệp lo lắng khi bị chậm đơn hàng thì khách hàng có thể hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang thị trường khác như Trung Quốc, Indonesia. Hoặc nhãn hàng đồng ý cho giao hàng chậm nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không với phí rất cao. Còn nếu doanh nghiệp dệt may, da giày xin lùi ngày xuất khẩu thì đối tác đề nghị giảm giá 15%. Đáng chú ý, các đơn hàng mùa mới của năm 2022 đã bị tạm dừng hoặc bị giảm số lượng.

Mặt khác, sự thiếu thống nhất trong phương án phòng, chống dịch của các địa phương cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp giao chậm đơn hàng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8/2021 giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và tháng 9/2021 tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021.

Vượt khó cách nào ?

Về bài toán toàn lao động, một thông tin khá lạc quan từ khảo sát. Đó là, 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn quay lại công việc và công ty cũ. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải hết sức năng động trong phương án tuyển dụng lao động để nhanh chóng có được lực lượng lao động ổn định trở lại.

Về bài toán đầu ra, nỗi lo đơn hàng bị dịch chuyển sang các thị trường khác là khó có thật. Tuy nhiên, đại diện nhãn hàng khẳng định Việt Nam vẫn là nước có lợi thế về hiệu suất, năng lực, lao động trẻ có trình độ, có lợi thế vẫn chuyển tới Mỹ và EU nên Việt Nam vẫn là nước cung ứng số 1. Dù vậy, đợt giãn cách vừa qua cho thấy rủi ro của việc quá phụ thuộc vào 1 quốc gia. “Việc chúng tôi có chuyển đơn hàng đi hay không phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tái mở cửa nhanh chóng hay không.” 1 nhãn hàng cho biết.

ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng doanh nghiệp phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh bị động khi có một mắt xích bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng phương án, quỹ phòng ngừa rủi ro, luôn giữ tư thế chủ động cho mọi tình huống.

Exit mobile version