Sau khi SVB của Mỹ cùng một số ngân hàng khác sụp đổ, nhiều nhà đầu tư lo ngại sự lây lan sẽ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Deutsche Bank liệu có bị vạ lây?
Cổ phiếu Deutsche Bank dẫn đầu đà giảm
Sau khi ngân hàng Mỹ SVB sụp đổ, Credit Suisse đã được giải cứu khẩn cấp bởi UBS. Giới đầu tư lo ngại về rủi ro lây lan trong lĩnh vực ngân hàng. Nó càng trở nên đáng ngại hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ.
Giới chức, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và các nước trên toàn cầu thực tế đã kỳ vọng thương vụ mua lại Credit Suisse của UBS giúp phần xoa dịu thị trường. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, thỏa thuận này không đủ để làm giảm những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng.
Trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Deutsche Bank bị bán tháo và đã trở thành chủ đề bàn tán sau khi trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị xóa sổ theo thỏa thuận giải cứu của UBS.
Trong phiên 24/3, dẫn đầu đà giảm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu chính là cổ phiếu Deutsche Bank. Trong khi đó, cổ phiếu của ngân hàng Commerzbank (Đức), đối thủ của Deutsche Bank, giảm 9%; cổ phiếu của Credit Suisse, Societe Generale và UBS giảm hơn 7%. Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu của Barclays và BNP Paribas cũng mất 6%.
Không có cơ sở suy đoán về tương lai của Deutsche Bank
Sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc trị giá hàng tỷ euro bắt đầu từ năm 2019, mục đích là giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời, Deutsche Bank đã báo lãi quý thứ 10 liên tiếp. Vào năm 2022, ngân hàng này ghi nhận mức thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro (tức 5,4 tỷ USD), tăng 159% so với năm trước.
Vào cuối năm 2022, tỷ lệ CET1 – thước đo thanh khoản của ngân hàng ở mức 13,4%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LCR – thước đo đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước rủi ro liên quan đến nợ xấu) là 142%; tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) ở mức 119%.
CNBC đánh giá, những con số này cho thấy không có lý do gì để lo ngại về thanh khoản hay trạng thái thanh khoản của ngân hàng này.
Trong một cuộc họp báo ngày 24/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu nói rằng, Deutsche Bank đã “tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh một cách triệt để và là ngân hàng có lợi nhuận cao”. Ông cũng cho rằng, không có cơ sở suy đoán về tương lai ngân hàng này. Ngược lại, Deutsche Bank lại chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Moody’s trong một lưu ý mới đây cho rằng, việc giải cứu này có thể đạt được thành công trên diện rộng.
Bộ phận chiến lược tín dụng của cơ quan này cho biết: “Tuy nhiên, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin nhà đầu tư mong manh, có khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn được tình hình hỗn loạn hiện nay mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng”.
Thậm chí Moody’s cho rằng, ngay cả trước khi những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng trở nên trầm trọng, các điều kiện tín dụng trên toàn cầu cũng sẽ suy yếu trong năm 2023. Lý do bởi, lãi suất cao hơn trong khi tăng trưởng thấp hơn, gồm cả sự suy thoái ở một số nước.
Theo khuyến cáo của cơ quan này, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục kiềm chế lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt càng lâu, cũng có nghĩa là rủi ro “căng thẳng lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây thiệt cho kinh tế và tài chính lớn hơn nữa”.